"Biến tướng" của giấy phép kinh doanh

ANTD.VN - Số lượng các loại giấy phép liên quan tới hoạt động kinh doanh đã giảm nhưng lại “tinh vi” hơn, phức tạp hơn khi nó được gài cắm trong những quy định kiểm soát khác. 

Số giấy phép kinh doanh giảm nhưng lại có nhiều “biến tướng” tinh vi khác

Đó là những nội dung chính được các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo về điều kiện kinh doanh, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều qua, 15-6.

Càng cải cách càng “rối”

Trình bày Báo cáo Điều kiện kinh doanh 2017, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho biết, trong quá trình cải cách, nhiều loại giấy phép kinh doanh đã được loại bỏ nhưng hiện nay một số giấy phép lại có xu hướng được phục hồi trở lại.

Đáng nói, theo ông Phan Đức Hiếu, việc cải cách nhằm giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay “càng đi càng rối, càng cải cách càng không đạt được mục tiêu”. “Giờ giấy phép kinh doanh “tinh vi” hơn, phức tạp hơn. Giấy phép không còn nhiều nhưng lại có nhiều quy định kiểm soát khác mà thực ra đó cũng là một thủ tục cần được cho phép” – ông Phan Đức Hiếu nói. 

Chẳng hạn, để hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo quy định ở Luật Đầu tư (điều kiện “cha”). Làm thế nào để chứng minh là cơ sở đủ điều kiện kinh doanh lại phải xin các giấy chứng nhận đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại các Nghị định, Thông tư... (điều kiện “con”). Để xin các giấy chứng nhận này, doanh nghiệp lại phải xin hàng loạt giấy phép khác, nhiều giấy phép chỉ có thời hạn nhất định, sau đó lại phải xin lại (điều kiện “cháu”).

“Với loại điều kiện kinh doanh “cha”, chúng tôi truy ra được khoảng 3.407 điều kiện. Chia trung bình 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mỗi ngành nghề khoảng 12 điều kiện. Trong khi đó, sản phẩm cuối cùng làm ra, doanh nghiệp vẫn phải xin các giấy chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong một số trường hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật lại trùng với điều kiện kinh doanh. Chúng ta đang quản lý bằng giấy phép từ đầu vào, giữa cho tới đầu ra” -  ông Hiếu nêu thực trạng. 

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giấy phép kinh doanh bây giờ “biến tướng” dưới nhiều hình thức khác nhau. “Đáng buồn là dù Chính phủ đã nỗ lực bãi bỏ rất nhiều giấy phép kinh doanh nhưng cùng với đó lại đặt ra thêm nhiều điều kiện kinh doanh mới. Một số rất chung chung khiến doanh nghiệp không biết đáp ứng như thế nào. Một số khác lại không phù hợp, gây tốn kém, không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước và gây hệ lụy là giảm tính cạnh tranh, phát sinh nhũng nhiễu” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn ví dụ về trường hợp Nghị định 60/2014/NĐ-CP đã khôi phục lại giấy phép nhập khẩu thiết bị in. Giấy phép này đã được bãi bỏ từ năm 1999, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; giúp ngành in đã phát triển rất mạnh mẽ trong những năm qua và không làm phát sinh vấn đề gì lớn. Vậy nhưng, không hiểu sao cơ quan quản lý lại đặt lại điều kiện kinh doanh này?!

Người “sản xuất” giấy phép quá nhiều

Lý giải việc dễ dàng đặt ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chủ yếu là do “thói quen” quản lý.  Nhiều cơ quan quản lý đặt ra những điều kiện kinh doanh để dễ dàng cho công tác của mình chứ không phải vì mục đích an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặc dù những điều kiện này gây hậu quả rất lớn cho người kinh doanh. 

Thứ nữa, việc đặt ra các điều kiện kinh doanh còn có “bóng dáng” của lợi ích khi các đơn vị cấp chứng chỉ, các trung tâm xét nghiệm, thẩm định... được hưởng lợi. “Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp lo ngại nhiều điều kiện kinh doanh được sử dụng như một công cụ để gạt những doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, dẫn đến những doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường không phải chịu sức ép cạnh tranh, không cần quan tâm đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ...” - đại diện VCCI cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, sở dĩ gánh nặng điều kiện kinh doanh bao năm nói mãi không thay đổi được bao nhiêu là do số người “sản xuất” giấy phép quá nhiều, trong khi số người kiểm soát giấy phép lại ít. Số người “sản xuất” giấy phép thì có lợi ích, thậm chí có những người tạo ra càng nhiều giấy phép càng tốt còn số người kiểm soát lại rất khó tìm kiếm, khó tập trung mạng lưới liên minh để kiểm soát giấy phép.

Vì vậy, theo các chuyên gia, sắp tới phải thành lập một cơ quan độc lập chuyên “chặt chém” quy định. Thay vì bộ, ngành tự rà soát thì cần có cơ chế phản biện từ bên ngoài.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, cách đây 1 năm, Chính phủ đã rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh và cho thấy vẫn còn cần phải loại bỏ bớt điều kiện kinh doanh nữa. “Qua rà soát mới thấy không gian cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Qua quá trình rà soát, có những điều kiện kinh doanh đã rút ngắn được chỉ còn 1/5 thời hạn cấp phép. Rõ ràng đã giảm rất nhiều chi phí, thời gian cho doanh nghiệp” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.