Biến tre gai thành xe đạp giá nghìn đô

ANTĐ - Sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, cha con ông Võ Tấn Mười (trú xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) đã sáng tạo ra những chiếc xe đạp tre được xuất khẩu sang châu Âu với giá từ 500-5.000 USD. 

Biến tre gai thành xe đạp giá nghìn đô ảnh 1

Cha con ông Mười cặm cụi chế tác xe đạp từ tre

Dù những chiếc xe đạp được bán với giá bằng cả gia tài của người nông dân, thế nhưng cha con ông Mười nhiều lần vẫn phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì những chiếc xe đạp được làm hoàn toàn bằng tay từ nguyên liệu là những thân tre gai mộc mạc nên rất cầu kỳ mất thời gian. 

Bỏ lương nghìn USD về làm nông dân

Sau nhiều lần hẹn, một ngày đầu năm 2016, chúng tôi mới gặp được cha con ông Mười ở xưởng sản xuất xe đạp tre của gia đình. Lúc chúng tôi đến, dù trời đã nhá nhem tối nhưng ông Mười và anh Võ Tấn Tâm cùng với thợ vẫn đang tất bật làm việc, hoàn thiện lô xe đạp thể thao gần 10 chiếc để kịp giao cho khách đúng hẹn. Thế mới hiểu vì sao cha con ông Mười năm lần bảy lượt từ chối gặp chúng tôi, không phải vì “sợ” phóng viên, mà vì không có thời gian.

Lấy tay phủi lớp bụi tre dày đặc bám trên vai, anh Tâm vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với những chiếc xe đạp tre “made in Việt Nam”: “Cũng giống như hàng triệu người Việt Nam khác được sinh ra ở nông thôn nên những kỷ niệm về tuổi thơ của tôi với chơi bi, đánh đáo gắn liền với rặng tre bên hiên nhà. Cũng chính vì những ký ức đẹp đó, nên dù chọn theo học ngành công nghệ thông tin nhưng lúc nào tôi cũng ấp ủ ý định giúp người nông dân làm giàu từ loài cây gắn bó mật thiết với cuộc sống nơi thôn dã”. 

Năm 2011, sau khi nghe Alex Lakassen (45 tuổi, quốc tịch Hà Lan) kể về những chiếc xe đạp thể thao được làm từ tre ở Hà Lan, anh Tâm đã quyết định dừng hoạt động công ty riêng của mình để tập trung nghiên cứu, sản xuất những chiếc xe đạp tre “made in Việt Nam”.

Lúc nghe anh Tâm thông báo dừng hoạt động công ty để tập trung nghiên cứu, sản xuất xe đạp bằng tre, ai cũng cười bảo anh bị… hâm. Tính anh vậy, đang đi làm lương tháng nghìn đô cho công ty nước ngoài thì đùng cái xin nghỉ việc về mở công ty riêng. Đến lúc công ty đi vào hoạt động ổn định, sinh lời vài trăm triệu đồng một năm thì anh Tâm lại dừng hoạt động để theo đuổi những thân tre gai góc. 

Chỉ có cha anh, sau khi nghe con trai kể về dự án thì hoàn toàn ủng hộ. Vốn là một nghệ nhân mộc mỹ nghệ nổi tiếng ở Hội An, từng làm ra rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ được xuất khẩu đi khắp thế giới nên ông biết tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên của nước ta còn rất lớn, vấn đề là phải biết cách khai thác.

Ông tin chỉ cần có quyết tâm thì bất cứ việc gì, dù khó đến đâu cũng sẽ làm được. Chính vì vậy, ông tin con trai mình sẽ tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc được xuất khẩu đi toàn thế giới, với giá trị cao gấp hàng trăm lần những sản phẩm hiện nay từ nguyên liệu là cây tre hết sức gần gũi với cuộc sống của người dân ở nông thôn Việt Nam.

Biến tre gai thành xe đạp giá nghìn đô ảnh 2

Người bạn đặc biệt

Vốn là dân công nghệ thông tin, nên dù nhận được sự trợ giúp rất lớn từ phía anh Alex Lakassen và cha nhưng anh Tâm vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình nghiên cứu, sản xuất. Những chiếc xe đạp tre thân thiện với môi trường được anh Alex Lakassen nhờ bạn đặt mua bên Hà Lan, rồi gửi sang cho anh Tâm tháo ra nghiên cứu. Sau khi quan sát, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của xe đạp, anh Tâm thấy ngoài những bộ phận bằng kim loại không thể thay thế như tay phanh, xích, líp, trục bi… thì những phần còn lại hoàn toàn có thể thay thế bằng tre. 

Thế nhưng, điều khó nhất là làm bằng tre gì để khung xe vừa bền, vừa chịu lực tốt, phù hợp với người sử dụng, nhất là với những người nước ngoài có hình dáng cao to. Điều này đòi hỏi sự tính toán kỹ càng của người sản xuất khi mỗi chi tiết trong xe đạp từ tay lái, khung xe, càng xe đòi hỏi tính chịu nén, chịu lực khác nhau. Mất gần 1 năm thí nghiệm tính toán, cha con ông Mười mới tìm được loại tre đáp ứng những yêu cầu khắt khe trên. Nhờ ưu điểm ruột đặc, lại có độ bền dẻo nhất định nên loại tre gai quý hiếm ở nước ta đã giải quyết được vấn đề trên. 

Những cây tre gai sau khi được thu mua, sẽ được bố con ông Mười ngâm trong nước mặn từ 6 đến 8 tháng rồi vớt lên phơi nắng. Tùy vào kích cỡ, độ nặng nhẹ của từng cây tre cũng như mục đích sử dụng, chúng sẽ được phân loại để làm khung xe hay tay lái. Khó khăn vẫn chưa hết, dù đã tìm được loại tre để làm khung, nhưng để tạo hình theo mục đích sử dụng là cả một vấn đề. Lại phải mất một thời gian mày mò, cuối cùng cha con ông Mười cũng đã tạo ra được những chiếc máy chuyên dụng trong sản xuất xe đạp tre. 

Ngay khi những chiếc xe đạp tre đầu tiên được xuất xưởng, Alex đã tích cực giới thiệu, quảng bá đến bạn bè, người thân của mình ở Hà Lan. Thích thú với những chiếc xe đạp tre thân thiện với môi trường nhưng cũng rất độc đáo này, bạn bè của Alex đã đặt hàng cha con ông Mười với giá dao động từ 500-5.000USD. 

Không bằng lòng với những thành công đạt được, cha con ông Mười tiếp tục nghiên cứu cải tiến chiếc xe đạp tre. Những khớp nối bằng kim loại trước đây được thay thế bằng những sợi dây gai cùng loại keo gắn kết được làm từ mật mía và sắn dây nhưng hết sức chắc chắn. “Với tôi, cây tre là một sợi dây đặc biệt gắn kết quá khứ với hiện tại cũng như tương lai. Từ xưa cây tre hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Thế nhưng trong cuộc sống ngày nay, cây tre không còn giữ vai trò quan trọng như trước. Qua việc làm này, tôi mong muốn thế hệ trẻ không lãng quên truyền thống của dân tộc”. 

Rất đông du khách khi đến Hội An đã tìm đến xưởng sản xuất chiếc xe đạp tre độc đáo này để được đi thử và sẵn sàng bỏ ra cả nghìn USD để sở hữu. Chính những thành công bước đầu đó thúc đẩy cha con ông Mười mở rộng xưởng sản xuất, tiếp tục tìm tòi nghiên cứu những sản phẩm đặc biệt khác như điện thoại gỗ, đồng hồ tre… giúp hàng trăm lao động ở địa phương có công ăn việc làm ổn định.