- Ra mắt cuốn sách "Tam Đảo - Đất linh thiêng, miền du lịch"
- Ra mắt cuốn sách “Dọc ngang hải hồ” - tập 7 trong series "Chém theo chiều gió"
Trong một nghiên cứu đi tìm nguồn gốc tạo ra tài năng xuất chúng, các nhà tâm lý học đã tiến hành phỏng vấn hơn 120 người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhạc sĩ, nghệ sĩ cho đến nhà khoa học, vận động viên đẳng cấp thế giới. Đồng thời, họ cũng phỏng vấn cả cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên của đối tượng được chọn. Người ta sửng sốt khi phát hiện ra rằng chỉ có một số ít trong nhóm những người đạt thành tích cao này là thần đồng. Thậm chí, một số người còn chưa bao giờ được giáo viên công nhận có khả năng đặc biệt hay nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa.
Suốt một thời gian dài, chúng ta vẫn nghĩ rằng những tố chất vĩ đại của con người là bẩm sinh chứ chẳng phải thứ được trau dồi. Vì thế chúng ta thường có xu hướng tôn vinh những học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên có tài năng thiên phú, hoặc những thần đồng âm nhạc hiển lộ từ sớm. Thế nhưng, trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, giáo sư Adam Grant đã lật ngược ván bài và cho chúng ta thấy rằng, dẫu không phải thần đồng thì chúng ta vẫn có thể đạt được những điều vĩ đại.
Tác giả Adam Grant |
“Khi đánh giá tiềm năng, chúng ta mắc sai lầm chủ yếu khi tập trung vào điểm xuất phát – vào những khả năng có thể nhìn thấy tức thì. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi tài năng bẩm sinh, chúng ta cứ cho rằng những người hứa hẹn nhất là những người nổi bật ngay lúc này. Nhưng những người đạt thành tích cao vốn có sự khác biệt rất lớn trong việc thể hiện những năng khiếu ban đầu. Nếu chúng ta đánh giá con người chỉ qua những gì họ có thể làm trong ngày đầu tiên thì tiềm năng của họ sẽ tiếp tục ở trong trạng thái bị chôn vùi” – Addam Grant cho biết.
Và qua hơn 20 năm nghiên cứu, Grant nhận ra sự phát triển không chỉ đòi hỏi tư duy mà còn cần nhiều thứ khác, trong đó có kỹ năng nhân cách – một thứ cực kỳ quan trọng nhưng thường bị lãng quên. Từng có thời gian, những kỹ năng nhân cách như tính chủ động, lòng quyết tâm, sự tò mò… bị xem nhẹ và được coi là những “kỹ năng mềm”. Thế nhưng, theo Adam Grant, chính những kỹ năng nhân cách này sẽ quyết định các con người xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống. Nó cũng là thứ giúp chúng ta sống đúng với những nguyên tắc và giá trị của mình.
Trong sách, bạn sẽ học được nhiều điều thông qua các câu chuyện khác nhau, từ một võ sĩ quyền anh đã tự học nghề kiến trúc, một người phụ nữ thoát nghèo bằng khả năng siêu hấp thụ kiến thức, cho đến những người từng gặp khó khăn ở trường nhưng hiện nay lại được xếp vào hàng những người giỏi nhất thế giới… Họ không sinh ra với siêu năng lực vô hình mà hầu hết tài năng của họ đến từ quá trình học tập hoặc tự thân rèn luyện.
Nhưng nếu chỉ dựa vào kỹ năng nhân cách thì chưa đủ để đi được quãng đường xa. Muốn vượt qua những đỉnh cao cheo leo, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ nâng đỡ từ nhiều nguồn. Sự hỗ trợ này chính là giàn giáo. Nó giúp ta xây dựng khả năng phục hồi để vượt qua những trở ngại có nguy cơ đàn áp và hạn chế sự phát triển của bản thân. Những giàn giáo này có thể đến từ gia đình, bạn bè, người hướng dẫn, và cả bản thân bạn.