Biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2 “đáng lo ngại” đến mức nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, biến thể Delta Plus, đã được ghi nhận ở hơn 10 quốc gia trên thế giới. Các cơ quan y tế lo ngại rằng biến thể này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng phát dịch mới bởi nó có khả năng lây truyền cao hơn, hoặc ít nhất ngang bằng biến thể Delta vốn được xem là biến thể siêu lây nhiễm trước đó. Ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ ngày 11-6 vừa qua khiến quốc gia này trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ ba.
Biến thể Delta Plus đe dọa có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Ấn Độ

Biến thể Delta Plus đe dọa có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Ấn Độ

Thế hệ tiếp theo của biến thể “siêu lây nhiễm” Delta

Khi ngày càng có nhiều biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện, các chính phủ và các chuyên gia y tế công cộng không ngừng xem xét các chiến lược tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của chúng. Hiện có 11 biến thể của virus SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận. Một trong những biến thể này, biến thể Delta - còn được gọi là dòng B.1.617.2 - lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào tháng 12-2020 và nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất ở nước này. Biến thể này đã chứng minh khả năng lây truyền tăng 40-60%, so với biến thể Alpha chiếm ưu thế trước đây và là biến thể SARS-CoV-2 chiếm nhiều nhất ở Anh.

Trong khi đó, các chuyên gia gần đây đã xác định được một biến thể khác - biến thể Delta Plus, còn được gọi là B.1.617.2.1 hoặc AY.1. Ban đầu, biến thể Delta Plus được Bộ Y tế Ấn Độ xếp vào danh sách “đáng quan tâm”, sau đó nâng lên thành “đáng lo ngại”. Cơ quan y tế công cộng của Anh cũng lần đầu tiên tuyên bố biến thể Delta Plus là một “biến thể đáng lo ngại” hồi tháng 6 vừa qua. Kể từ đó, 11 quốc gia đã báo cáo ít nhất 197 trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể Delta Plus của virus SARS-COV-2 gây ra.

Biến thể Delta Plus là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra của Ấn Độ hồi tháng 10-2020 và giờ đã có mặt tại ít nhất 96 quốc gia trên thế giới, với sự khác biệt duy nhất được biết đến là một đột biến bổ sung K417N trong protein đột biến của virus, loại protein cho phép nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh.

Biến thể này gây ra những rủi ro gì?

Vì biến thể này được xem là “Biến thể đáng lo ngại” ở Ấn Độ, Hiệp hội SARS-CoV-2 về gene (INSACOG) của nước này, bao gồm 28 phòng thí nghiệm dành riêng cho việc giải trình tự toàn bộ bộ gene của virus SARS-CoV-2 và các biến thể đang phát triển của nó, tiếp tục theo dõi sự tiến hóa của Delta Plus. Theo INSACOG, biến thể Delta Plus có một số đặc điểm: dễ lây truyền hơn, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus, từ đó giảm hiệu quả của điều trị và vaccine.

Ông Shahid Jameel, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại về biến thể Delta Plus, nhấn mạnh rằng đột biến mới có khả năng né tránh miễn dịch, cả từ vaccine cũng như từ các kháng thể sinh ra ở người đã mắc Covid-19 trước đó. Nhà virus học, Tiến sĩ Jeremy Kamil thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bang Louisiana, cho biết: “Biến thể Delta Plus có thể có lợi thế trong việc lây nhiễm và lây lan giữa những người đã bị nhiễm bệnh trong các đợt dịch trước đó, hoặc những người có sức khỏe yếu, có bệnh nền…”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng những điều này không khác nhiều so với biến thể Delta. Ngoài ra, các chuyên gia khác cũng đã nêu ra điểm thứ ba, về khả năng làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng của biến thể. Chúng bao gồm các liệu pháp vốn được các nhà nghiên cứu chứng minh là có lợi trong việc điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình khi được sử dụng sớm trong suốt quá trình điều trị.

Hiệu quả của vaccine

Hiện vẫn chưa đủ dữ liệu về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Delta Plus, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy biến thể này lây nhiễm cho những người đã tiêm chủng. Theo các nhà khoa học, cần có thêm nghiên cứu và dữ liệu từ những người bị nhiễm biến thể Delta Plus để xem xét các đặc điểm của biến thể này và khả năng gây tăng lây truyền hoặc mức độ nghiêm trọng của Covid-19.

Tại Ấn Độ, biến thể Delta được cho là tác nhân chính của đợt bùng phát thứ hai tại nước này, biến thể Delta Plus đe dọa có thể tiếp tục là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba. Quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Detal cách đây không lâu, hồi tuần trước đã xác nhận hàng chục trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus. Tiến sĩ Arora, người đứng đầu Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêm chủng (NTAGI) cho biết, còn quá sớm để đánh giá liệu biến thể Delta Plus có thể kích hoạt làn sóng thứ ba của Covid-19 hay không, tuy nhiên, số ca mắc vẫn không ngừng tăng.

Theo Tiến sĩ Arora, làn sóng Covid-19 thứ ba sẽ phụ thuộc vào số lượng người dân đã bị nhiễm trong làn sóng thứ hai. Do đó, theo ông Arora, việc tiêm phòng là cần thiết để vô hiệu hóa những thiệt hại mà đợt thứ ba có thể xảy ra. Ông cho biết nếu có thể tiêm phòng cùng với việc sử dụng khẩu trang phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 thì thiệt hại có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Theo ông Randeep Guleria, Giám đốc Viện khoa học y tế toàn Ấn (AIIM) cho biết, biến thể Delta Plus mới của Covid-19 cực kỳ dễ lây lan, và thậm chí đi bên cạnh một bệnh nhân mắc Covid-19 biến thể này mà không đeo khẩu trang cũng có thể bị lây nhiễm. Ông Guleria cho biết, mặc dù việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ giúp chống lại biển thể mới ở mức độ lớn, tuy nhiên chính phủ lo ngại về cơ chế thoát miễn dịch của biến thể Delta Plus và khả năng chống lại các kháng thể đơn dòng của nó. Ông Guleria cho biết: “Điều này đang được INSACOG nghiên cứu và chúng tôi sẽ biết liệu vaccine có hiệu quả chống lại biến thể này hay không”. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể mới bao gồm Delta Plus, cả hai lại vaccine Covaxin và Covishield đều giúp giảm số ca nhập viện ngay cả trong biến thể Delta, vốn chiếm ưu thế tại Ấn Độ.