Biên soạn sách giáo khoa: Kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến

ANTD.VN - Việc biên soạn sách giáo khoa đã trở thành tâm điểm trong thời gian qua khi có nhiều ý kiến cho rằng việc chỉ sử dụng được một lần những cuốn sách này là lãng phí. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã chú trọng tăng cường chất lượng sách giáo khoa và có những biện pháp hiệu quả trong việc đảm bảo chống lãng phí.

Mỗi năm NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT phát hành hơn 100 triệu bản. Tuy nhiên, phần bài tập đi kèm sách giáo khoa và việc học sinh viết vào sách đã khiến nhiều cuốn không thể tái sử dụng cho khóa sau. Việc tiêu tốn mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ dùng được sách một lần khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về việc sử dụng lãng phí. Nhiều nền giáo dục phát triển đã có những kinh nghiệm riêng trong việc biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa sử dụng tại trường học để thúc đẩy chất lượng giáo dục ổn định mà không lãng phí tài nguyên.

Đức

Không giống như Việt Nam hiện nay - chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất do một cơ quan giống như Nhà xuất bản Giáo dục của Việt Nam phát hành, ở Đức, mỗi bang có một chương trình giáo dục khác nhau, vì thế cần nhiều bộ sách giáo khoa. Cùng một bang, có thể có 5-7 bộ sách khác nhau cho cùng một môn học.

Có khoảng hơn 20 nhà xuất bản (NXB) cung cấp sách giáo khoa ở Đức. Sau một quá trình cạnh tranh, các NXB nhỏ và yếu sẽ bị các nhà xuất bản lớn thôn tính, mua lại. Thị trường xuất bản hiện tại đã tập trung hơn, chỉ còn 2 NXB lớn.

Các NXB cạnh tranh với nhau, họ sẽ tự thực nghiệm. Nhóm tác giả luôn có giáo viên trong đó và trong khi viết, họ đã tự thực nghiệm. Việc quyết định mua bộ sách giáo khoa nào sẽ do hội đồng bộ môn của từng môn trong nhà trường quyết định. Để đảm bảo tính kinh tế nhằm chuyển giao từ lớp này sang lớp khác, sách giáo khoa ở Đức không có chỗ để học sinh viết vào. Thay vào đó, sách bài tập dùng một lần sẽ có chỗ cho học sinh viết vào sách. Sách giáo khoa của Đức có giá cao hơn sách Việt Nam rất nhiều - trung bình 23-24 euro/cuốn.

Tại Đức, mỗi bang lại có một chương trình giáo dục khách nhau

Ngày nay, ở Đức, học sinh có nguồn gốc nhập cư ngày càng lớn và trình độ của các em ngày càng khác nhau. Do đó, tiêu chí phân hoá khi viế sách giáo khoa rất được đẩy mạnh. Bộ tài liệu giáo khoa có đi kèm sách bài tập, sách giáo viên. Sách giáo viên sẽ giúp giáo viên thiết kế bài tập cho học sinh ở nhiều mức độ khác nhau. Có những nội dung phân hoá chưa làm được trong sách giáo khoa thì sách giáo viên sẽ giúp giáo viên làm việc này tốt hơn.

Phần Lan

Phần Lan là đất nước được ví như “thiên đường giáo dục” bởi những ưu điểm tuyệt vời mà nền giáo dục nước này mang lại. Tại đây, giáo viên là những người trực tiếp viết sách giáo khoa. Học sinh cũng có thể trở thành một phần trong quá trình biên soạn sách.

Tại Phần Lan, tác giả của những cuốn sách giáo khoa không ai khác chính là các giáo viên đứng lớp. Quy trình viết sách thường bao gồm từ 2-8 thành viên. Phần lớn trong số đó là những người có bề dày kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông.

Điều đặc biệt là bất kì cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể tham gia viết sách nếu cảm thấy mình đủ khả năng. Tuy nhiên, tất cả đều phải dựa trên khung cơ bản của Chương trình quốc gia (bao gồm mục tiêu giáo dục tổng quát, quy định hoạt động tối thiểu của trường học,...).

Phần Lan được đánh giá là “thiên đường giáo dục”

Trong trường hợp giáo viên không phải là người trực tiếp giảng dạy môn học đó hoặc là giáo viên trung học phổ thông chuyên dạy độ tuổi từ 15 – 19 tuổi nhưng muốn viết sách cho học sinh Tiểu học sẽ buộc phải xuống các cơ sở trường để quan sát và theo dõi hoạt động học của các em.

Sau khi bản thảo hoàn thành sẽ được gửi đến những bên liên quan như các giáo viên, chuyên gia, học giả, thậm chí là học sinh để được góp ý, phản biện. Việc các tác giả thu nhận ý kiến phản hồi của học sinh giúp kiểm nghiệm ví dụ đưa ra có thú vị hay vượt quá trình độ của các em hay không?

Đặc biệt, đối với những vấn đề mang tính chất đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội sẽ được đưa tới các tổ chức phi chính phủ để được cung cấp phản biện mang tính thực tiễn cao.

Anh

Ở nhiều nước, giáo viên có vai trò chính trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục không tham gia gì vào quy trình biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mà chỉ hướng dẫn bằng các tiêu chí để những cuốn sách giáo khoa được biên soạn đảm bảo chất lượng. Tại Anh, vai trò của sách giáo khoa đã ngày càng mất dần đi tính quan trọng. Nhiều môn học hiện nay thậm chí không cần đến sách giáo khoa.

Sách giáo khoa của Anh

Về quy trình biên soạn sách giáo khoa, Anh không có ban thẩm định quốc gia về sách giáo khoa. Bộ Giáo dục Anh đưa ra các tiêu chí, các NXB căn cứ vào đó để biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Sách giáo khoa của NXB nào được các giáo viên, các trường lựa chọn nhiều thì bán được và NXB đó tồn tại được.

Bộ Giáo dục Anh không tham gia gì vào quy trình biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mà chỉ hướng dẫn bằng các tiêu chí để những cuốn sách giáo khoa được biên soạn đảm bảo chất lượng.

Về quyền lựa chọn sách giáo khoa, giáo viên chính là chuyên gia và người nắm được rõ nhất nhu cầu của học sinh. Do vậy quyết định lựa chọn sách giáo khoa nào là tùy thuộc vào giáo viên và các trường học. Việc xây dựng tài liệu, sách giáo khoa cũng theo xu hướng dành nhiều “không gian” để giáo viên và các trường có thể bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục của mình.

Cũng chính vì vai trò của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa như vậy, nên các NXB luôn lắng nghe và coi trọng ý kiến góp ý, nhận xét của giáo viên về sách giáo khoa chứ không phải là một bộ, ngành nào đó.

Nhật Bản

Hiến pháp 1946 nêu rõ Nhật Bản thực hiện chế độ sách giáo khoa kiểm định. Bộ GD&ĐT không trực tiếp làm sách giáo khoa mà chỉ giữ vai trò đặt ra quy chế, theo dõi việc thực hiện quy chế, thẩm định, cấp phép các bộ sách đủ điều kiện để trở thành sách giáo khoa.

Các nhà xuất bản tư nhân sẽ tự chủ toàn bộ, từ bản thảo, tác giả đến kinh phí. Nhà nước chỉ xét duyệt, yêu cầu sửa chữa bản thảo và công bố các cuốn sách đạt yêu cầu. Nhà xuất bản và các tác giả mới là người chịu trách nhiệm nội dung sách. Chất lượng tốt sẽ đồng nghĩa với việc được xét duyệt, nhiều nơi lựa chọn và thu về lợi nhuận. Đây được xem là cơ chế cạnh tranh công bằng.

Dự kiến khi thực hiện chương trình mới (công bố năm 2017), các nhà xuất bản sách giáo khoa Nhật Bản có khả năng sẽ in kèm phần phụ lục hay ghi chú cả thông tin yêu cầu chỉnh sửa, ý kiến của người xét duyệt và quan điểm của tác giả về các vấn đề còn tranh cãi để người dân có quyền tiếp cận và phê phán.

Tại Nhật Bản, nhà nước chỉ phụ trách thẩm định và cấp phép các bộ sách giáo khoa