Biển quảng cáo "khủng"... “thiêu” người

ANTĐ - Nguyên nhân vụ cháy hiệu vàng Đức Anh (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) làm 5 người chết, bước đầu được cơ quan công an xác định do chập điện biển hiệu quảng cáo treo kín mặt tiền ngôi nhà 5 tầng. Hậu quả thương tâm đó thực sự là lời cảnh báo nghiêm khắc cho các cơ quan chức năng Thủ đô, khi thực trạng treo móc biển quảng cáo “khủng” đang diễn ra tùy tiện ở Hà Nội.
Biển quảng cáo "khủng"... “thiêu” người ảnh 1
Hiện trường vụ cháy biển quảng cáo ở huyện Từ Liêm, gây cháy lan sang 2 nhà dân liền kề


Dễ cháy như biển quảng cáo điện tử

Như Báo ANTĐ đưa tin, khoảng 2h40 ngày 26-7, tại hiệu vàng Đức Anh (tổ 10, khu 3, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), do vợ chồng anh Nguyễn Tiến Đức (SN 1979) và chị Mai Thị Anh (SN 1978) làm chủ, đã xảy cháy khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 3 con nhỏ của anh Đức; 4 người khác bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện. Qua khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai những người biết việc, nguyên nhân vụ cháy bước đầu được cơ quan công an xác định do chập điện biển hiệu quảng cáo treo kín “mặt tiền” ngôi nhà dạng “ống”, cao 5 tầng. Theo ghi nhận của PV ANTĐ, vụ hỏa hoạn tại hiệu vàng Đức Anh là vụ cháy biển quảng cáo gây thiệt hại nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong số rất nhiều vụ đã xảy ra trên phạm vi cả nước.

Tại Hà Nội, ngày 12-6 vừa qua cũng xảy ra vụ cháy biển quảng cáo treo phía ngoài một quán Karaoke trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Theo các nhân chứng, khoảng 20h15, khi quán đang đông khách, một nhân viên phát hiện lửa bùng phát từ tấm biển quảng cáo cỡ lớn. Làm bằng vật liệu dễ cháy, bên trong có nhiều dây điện nên lửa nhanh chóng lan rộng, “nuốt” trọn tấm biển, phủ kín mặt ngoài ngôi nhà. May mắn là tòa nhà thiết kế “tường kính” nên lửa bên ngoài không cháy lan vào trong. Theo nhân viên quán karaoke, trước hôm xảy ra vụ cháy đã phát hiện hệ thống đèn Led treo ngoài nhà trục trặc và báo thợ đến sửa chữa. Cửa hàng chưa kịp khắc phục thì xảy ra sự cố trên. 

Trước đó, hỏa hoạn cũng bùng phát tại quán Karaoke Legend (khu tái định cư xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm) và cháy lan sang 2 nhà dân bên cạnh. Theo chủ nhà, quán karaoke đang trong giai đoạn hoàn thiện thì xảy ra sự cố cháy tấm biển quảng cáo treo từ tầng 2 lên đến tầng 7. Chỉ trong vài phút, lửa đã thiêu rụi tấm biển và lan vào các phòng hát, phòng máy. Thời điểm xảy cháy, trong quán có 10 người và tất cả đều phải chạy lên tầng thượng tránh khói lửa. Lửa táp mạnh vào các vật dụng cách âm trong quán, tạo ra nhiều khí độc khiến những người mắc kẹt tức ngực, khó thở. Không còn cách nào khác, họ hô hoán và được một người hàng xóm nhà bên bắc thang, kê “cầu” cho bò sang tránh lửa và may mắn thoát chết. Gần chục xe cứu hỏa và xe thang được điều động đến hiện trường để dập tắt vụ cháy biển quảng cáo này. 

Biển quảng cáo "khủng"... “thiêu” người ảnh 2
Nếu đóng chặt cửa kính và cửa phòng ngủ, những người có mặt trong hiệu vàng Đức Anh đã tránh được nhiều khói

“Công nghệ” đèn Led bị thả nổi

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, thị trường biển hiệu quảng cáo hiện phân chia làm 3 loại chính: Loại biển in trên bạt có đèn hắt lắp rời; biển công nghệ lật 3 mặt, biển cuốn; biển điện tử (đèn Led, neon). Xét về tính thẩm mỹ, độ bắt mắt, biển quảng cáo trên trên bạt và biển cuốn thua xa biển hiệu điện tử, song 2 loại biển này gần như không bao giờ gặp sự cố. Tuy nhiên, với lợi thế về giá, sử dụng công nghệ đèn màu sắc, đèn Led đang được nhiều cửa hàng, quán ăn chọn nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của người đi đường. Trong khi đó, các thiết bị, dây nối chế tạo biển quảng cáo đèn Led gần như đang bị thả nổi, đa phần có xuất xứ Trung Quốc, độ bền thấp, thường xuyên xảy ra sự cố hư hỏng.  “Gần như tất cả khách hàng lựa chọn biển Led không hay biết, hoặc không được cảnh báo về nguy cơ cháy nổ thường trực có thể xảy ra” - một cán bộ Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khẳng định. 

Dễ cháy và khi xảy cháy cũng dễ bắt lửa, bởi hầu hết biển quảng cáo điện tử được làm bằng mecal, nhựa. Vị trí treo biển quảng cáo cỡ lớn thường bao kín “mặt tiền” các nhà cao tầng nên khi xảy ra sự cố chập điện, lửa sẽ nhanh chóng bốc cao, gặp các vật liệu dễ cháy (cửa ra vào ban công, cửa sổ gỗ) phía trong sẽ lan nhanh vào các phòng gây cháy lớn. Phân tích nguyên nhân gây cháy biển quảng cáo thời gian qua, một cán bộ Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đưa ra 4 nhận định: Do biển hiệu, hộp đèn quảng cáo thường được treo móc ngoài trời, dưới tác động của thời tiết khiến cho hệ thống dây dẫn nguồn cấp điện cho biển bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, gây chạm chập từ dây nguồn, hộp đấu dây kỹ thuật. Để hạ giá thành sản phẩm, nhiều công ty chế tạo lựa chọn thiết bị bảo vệ    (avtomat) không đảm bảo kỹ thuật, không có tác dụng bảo vệ thiết bị khi có sự cố xảy ra; Một số trường hợp công nhân thi công bất cẩn trong việc đấu nối hệ thống chiếu sáng bên trong biển hiệu; Lắp đặt chữ nổi bằng nhựa lồng dây đèn neon sign bên trong, quá trình sử dụng dưới tác dụng của nhiệt tỏa ra từ đèn, làm bắt lửa các bảng chữ nổi nhựa, gây cháy lan sang các bộ phận khác của hộp đèn quảng cáo.  

Biển quảng cáo "khủng"... “thiêu” người ảnh 3
Biển quảng cáo bằng đèn Led dễ chập cháy và khi xảy cháy rất dễ bắt lửa

Nhảy từ trên cao để thoát nạn là tự sát

Trở lại vụ cháy hiệu vàng Đức Anh. Vụ hỏa hoạn này khiến nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực PCCC liên tưởng đến vụ cháy tại chung cư 18 tầng JSC34 (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm 2 mẹ con chết thảm. Đành rằng mỗi vụ cháy diễn biến khác nhau và chỉ có người trong cuộc mới tỏ, song nếu nắm được những kiến thức cơ bản nhất về công tác thoát nạn, ứng phó với cháy nổ, số người thiệt mạng, bị thương chắc chắn không lớn đến vậy.

Theo lời kể của anh Nguyễn Tiến Đức – chủ hiệu vàng Đức Anh, anh là người đầu tiên phát hiện cháy khi thấy khói ùa vào phòng ngủ ở tầng của 2 vợ chồng và đứa con nhỏ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, thay vì bình tĩnh tìm khăn, vải tẩm nước chèn, nhét vào khe cửa, đồng thời bịt mặt che khói độc cho vợ con, anh này lại mở cửa phòng chạy lên tầng 3, đã vô tình khiến phòng ngủ tầng 2 nhiễm khói nặng hơn. Với kết cấu nhà kiên cố, cửa sổ kính mặt ngoài không cháy, nếu bịt kín khe cửa ra vào và cửa sổ, chắc chắn những người có mặt trong phòng sẽ an toàn, trong lúc đợi lực lượng chức năng đến ứng cứu - một cán bộ Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận định.

Theo nguyên lý cháy nổ, nhiệt và khói luôn bốc lên cao, do vậy khi gia đình anh Đức thoát lên tầng 3 càng bị nhiễm khói nặng. Không thể chạy được xuống dưới, vợ chồng anh này đã liều mạng ôm con nhỏ 6 tháng tuổi nhảy từ tầng 3 xuống đất. May mắn cháu bé thoát chết thần kỳ, song anh Đức và vợ bị chấn thương nặng.

Cán bộ Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận định: trong một vụ cháy nhiều khói, người lớn dù khỏe mạnh nhưng nếu không có những kiến thức cơ bản về PCCC thoát thân còn khó, chưa nói tới trẻ nhỏ. “Nói vậy để thấy, kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ, động đất, cháy nổ đang còn rất hổng trong sách giáo khoa các cấp ở Việt Nam hiện nay; trong khi trẻ 3-5 tuổi ở nhiều quốc gia xung quanh chúng ta đều đã được học và làm quen” - cán bộ này cho biết.

Cụ thể với vụ cháy trên, nếu các thành viên trong gia đình biết cách sử dụng khăn, giẻ ướt để che khói, bịt miệng và ở yên trong phòng chờ cảnh sát đến ứng cứu nhiều khả năng thương vong sẽ không đến 5 người. Trong trường hợp buộc phải ra khỏi phòng để ứng cứu người thân, hãy chạm tay trước vào cánh cửa để kiểm tra nó có nóng hay không (nếu cửa nóng tức là lửa đang cháy bên ngoài), thì hãy mở cửa hé ít một, dùng chính cánh cửa để che lửa táp vào phía mình, tránh bỏng hô hấp, rồi từ từ tìm cách thoát ra ngoài. Còn khi lửa chưa lan vào nhà, chỉ có khói, một lưu ý với người dân là khi mở cửa ra khỏi phòng phải bò thấp dưới sàn nhà tránh khói, men theo tường, lan can cầu thang để chắc chắn đến đúng nơi cần đến.

Tự bịt lối thoát nạn của mình

Biển quảng cáo "khủng"... “thiêu” người ảnh 4


Khảo sát của PV ANTĐ những ngày qua tại một số tuyến phố Hà Nội như: Chùa Bộc, Xã Đàn, Giải Phóng, Láng... cho thấy, tình trạng các cá nhân, tổ chức treo biển quảng cáo điện tử cỡ lớn, bịt kín lối thoát nạn - “mặt tiền” các ngôi nhà cao tầng diễn ra khá phổ biến. Đa phần, những ngôi nhà treo biển quảng cáo khổ lớn thiết kế dạng nhà ống, có duy nhất 1 mặt thoáng tiếp giáp với đường, 3 phía còn lại giáp nhà dân. Hầu hết các quán hàng treo biển quảng cáo “khủng” là những cơ sở tập trung đông người.

Chưa nói tới nguy cơ cháy biển quảng cáo chạy dọc chiều cao các tòa nhà, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra bên trong những khu vực này cũng đủ gây hoảng loạn cho khách. Ban công bị bịt kín bởi biển quảng cáo, lối thoát duy nhất những người bên trong tìm đến là cầu thang bộ. Với 1 cầu thang duy nhất, nguy cơ khách hàng giẫm đạp lên nhau để tháo chạy là điều dễ xảy ra.   
Một cán bộ làm công tác kiểm tra lâu năm thuộc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khẳng định: Quá trình kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở treo biển quảng cáo cỡ lớn che kín mặt tiền nhà, nhưng không thể xử phạt vi phạm hành chính vì không có thẩm quyền. “Việc kiểm tra, xử phạt hành vi treo biển quảng cáo quá khổ thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương và ngành văn hóa thông tin” - cán bộ này cho hay.

Được biết, theo quy chuẩn hiện hành, nhà dân cao 9 tầng trở lên buộc phải lập hồ sơ thẩm duyệt PCCC trước khi thi công và nghiệm thu sau khi hoàn thiện, trong đó, cơ quan chức năng luôn bắt buộc những tòa nhà này phải có ít nhất 2 cầu thang thoát nạn ở 2 hướng khác nhau.

Với nhiều nhà dân cao dưới 9 tầng cho thuê mặt bằng kinh doanh ở nhiều tuyến phố hiện nay, xây dựng không qua thẩm duyệt PCCC, còn tự ý bịt kín mặt thoáng duy nhất của tòa nhà để treo biển quảng cáo, song cũng không trang bị dây thoát nạn trên cao hoặc thang dây, dù cơ quan PCCC đã có nhiều kiến nghị, khuyến cáo. Nguy cơ mất an toàn PCCC rõ ràng là vậy, song các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương cũng không “xắn tay” cùng tìm biện pháp tháo gỡ.