Biện pháp mạnh ổn định tiền tệ

ANTD.VN - Trong nỗ lực ngăn chặn sự suy yếu của đồng tiền ringgit, Ngân hàng Trung ương Malaysia vừa công bố biện pháp mạnh bắt buộc các nhà xuất khẩu phải đổi 75% số tiền họ kiếm được ra đồng nội địa ringgit thay vì cất giữ bằng USD.

Tiền ringgit đang có xu hướng mất giá mạnh so với USD

Những năm gần đây, đồng tiền ringgit của Malaysia liên tục mất giá. Xu hướng này được cho là bắt đầu từ thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và kéo dài cho tới ngày nay. Thời gian gần đây, đà suy giảm của tiền ringgit còn bị đẩy nhanh thêm bởi tình hình bất ổn chính trị ở nước này, sau khi có thông tin về vụ điều tra hàng trăm triệu USD bị chuyển bí mật vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng N. Razak.

Đặc biệt, chiến thắng của ông D. Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến các đồng tiền châu Á, trong đó có tiền ringgit, chao đảo mạnh. Chính sách của Tổng thống Trump sẽ kéo lạm phát và lãi suất ở Mỹ gia tăng, theo đó gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD và các tài sản ở Mỹ. Những dự báo như vậy đã đẩy tỷ giá USD tăng cao, khiến đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sụt giảm mạnh.

Với hàng loạt những tác động trên, đồng ringgit luôn ở trong xu hướng giảm giá mạnh so với đồng USD. Giữa tháng 11 vừa qua, đồng ringgit có lúc giảm giá còn 4,4150 ringgit đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay, khiến các nhà hoạch định chính sách nước này phải đặt mục tiêu tập trung bảo vệ đồng ringgit hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đã nhiều lần Ngân hàng Trung ương Malaysia phải bán USD ra để cứu đồng nội tệ nhưng tác dụng của biện pháp này không thể duy trì trong thời gian dài. 

Đồng tiền ringgit suy yếu đương nhiên tác động tiêu cực đến nền kinh tế Malaysia về lâu dài. Là một trong các cường quốc khu vực Đông Nam Á nhưng nền kinh tế của Malaysia được dự báo chỉ tăng trưởng 4-4,5% trong năm 2016, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Do đồng ringgit mất giá, nợ nước ngoài của Malaysia tính theo nội tệ cũng tăng lên, trong khi dự trữ ngoại hối của nước này lại sụt giảm.

Theo biện pháp mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia A. Zaylani công bố hôm 2-12, bắt đầu từ ngày  5-12, các nhà xuất khẩu nước này buộc phải đổi 75% số tiền họ kiếm được ra đồng ringgit. Hiện tại, các nhà xuất khẩu được yêu cầu đưa tiền thu được trở về Malaysia trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành các giao dịch.

Số tiền này được cho phép cất giữ bằng ngoại tệ. Do đó, hầu hết các nhà xuất khẩu của Malaysia có xu hướng giữ tiền bằng đồng USD tại các ngân hàng, với quan điểm đồng tiền này có xu thế tăng giá trị trong dài hạn. 

Với số tiền mà các nhà xuất khẩu đang giữ bằng ngoại tệ tương đương khoảng 20,2 tỷ USD, theo phân tích của Ngân hàng Trung ương Malaysia, đồng ringgit suy yếu so với đồng USD là điều tất yếu.

Một khi số ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu thu được phải chuyển sang nội tệ, giá của đồng ringgit hy vọng sẽ được tăng lên. Đi liền với đó, Malaysia cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức 3%/năm nhằm tăng sức hút của đồng ringgit với các nhà đầu tư.

Một biện pháp nữa mà Ngân hàng Trung ương Malaysia áp dụng, đó là đặt ra giới hạn về lượng ngoại tệ mà các công ty và cá nhân có thể đầu tư ở trong và ngoài nước. Theo đó, các công ty phải đi vay mượn chỉ được đầu tư tối đa lượng tiền tương đương 50 triệu ringgit vào các tài sản trong nước được định giá bằng đồng ngoại tệ. Con số này đối với cá nhân là 1 triệu ringgit. 

Chưa biết những biện pháp nhằm tăng cường nhu cầu đối với đồng ringgit, đồng thời giảm tính dễ bị tổn thương của đồng nội tệ trước đồng USD của Malaysia sẽ đem lại kết quả thế nào, nhưng đây là biện pháp bắt buộc trong tình hình khó khăn hiện nay.