Biến những ước mơ táo bạo thành hiện thực

ANTD.VN - Chưa bao giờ trên khắp cả nước, không khí khởi nghiệp lại sôi sục như khoảng thời gian gần đây. Làn sóng khởi nghiệp đã vượt ra khỏi rào cản về tuổi tác. 

Xã hội cũng phải thay đổi quan niệm khi cho rằng chỉ có người trẻ mới khởi nghiệp, còn người đã có tuổi thì không còn cơ hội này. Thực tế đã chứng minh ngược lại, khởi nghiệp không lựa chọn đối tượng, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, dân tộc nào, ưu khuyết điểm thể chất ra sao đều có thể bắt đầu sự nghiệp làm giàu, lao động một cách nghiêm túc, sáng tạo, miễn là có ước mơ, có ý tưởng và khát vọng.

Cách đây hơn 3 năm (tháng 3-2015), lần đầu tiên tôi được tham dự sự kiện giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp của một số nhóm người trẻ khi dự lễ ra mắt trụ sở làm việc của những người thực hiện Đề án Thung lũng Silicon (VSV) tại Việt Nam ở 24 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Khi đó, Việt Nam mới chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp khởi nghiệp. Những cái tên như: Lozi, Tech Elite… còn đầy lạ lẫm với người dân, không ít người cho rằng đây là những ý tưởng viển vông, xa rời thực tế và tất nhiên, ít cơ hội thành công.

Nhưng những suy nghĩ chủ quan đó đã nhanh chóng bị gạt đi khi chứng kiến những người trẻ say mê diễn thuyết về ý tưởng, về sự phát triển của dự án, khi chứng kiến thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, đầy nhiệt huyết hay một không gian làm việc chung gần như không có giới hạn mà rất dễ liên tưởng đến sự sáng tạo vô biên của những người khởi nghiệp trẻ. Tiếp đó, tại sự kiện kêu gọi đầu tư đợt I cho các dự án khởi nghiệp của Hà Nội năm 2017, khi được gặp gỡ nhà khởi nghiệp là những bạn trẻ khiếm khuyết về hình thể hay những người đã trên 40 tuổi, tôi đã hoàn toàn thay đổi, tin tưởng hơn vào những người khởi nghiệp.  

Năm 2017 được coi là Năm Quốc gia khởi nghiệp, làn sóng khởi nghiệp sục sôi trên cả nước. Con số các startup chắc chắn tiếp tục tăng lên và không dừng lại. Đó là minh chứng cho thấy, khởi nghiệp hoàn toàn là một kế hoạch nghiêm túc, cần được nhân rộng và hỗ trợ.

Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh, không phải cứ có ý tưởng là khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Để bước chân vào con đường này và không hụt hơi trong chặng đường dài phía trước, người khởi nghiệp cần phải có những ý tưởng táo bạo, khác lạ nhưng tuyệt đối không xa rời thực tế, phải hướng vào phục vụ cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Quan trọng hơn nữa, khởi nghiệp hoàn toàn không phải một câu nói “thuận miệng”, một việc làm “thuận tay”, mà khởi nghiệp cần sự tỉnh táo, sự tính toán chi ly để ý tưởng không viển vông và thất bại. Và đương nhiên, như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, để gây dựng cơ nghiệp và thực hiện một dự án, người làm cần có vốn, kinh nghiệm cũng như nhiều điều kiện thuận lợi khác. Nói cách khác, người khởi nghiệp cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để biến ý tưởng thành hiện thực. Điều kiện đặt ra với người khởi nghiệp dù chỉ gói gọn trong một dòng, nhưng đó là một thách thức lớn không dễ gì vượt qua. 

Số liệu thống kê cho thấy chỉ 5-7% startup thành công đã chứng tỏ, khó khăn của khởi nghiệp rất nhiều và không dễ gì vượt qua. Hiện nay, rất nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đang đứng ra để đào tạo, hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngày 15-4-2018, sự kiện 1.000 CEO tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của diễn giả đến từ doanh nghiệp quy mô hơn 10.000 tỷ đồng đã thành công trong ngành đồ uống là Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang được kỳ vọng sẽ mang tới những kinh nghiệm quý báu, những bài học thành công cho người khởi nghiệp. Người ta không phải hối tiếc với những việc mình đã làm mà thường hối tiếc những việc mình không dám làm và khởi nghiệp không bao giờ là quá muộn, dù bạn là ai, bạn đến từ đâu!