Biển Nhật Bản nổi sóng

ANTĐ - Sự gia tăng các hoạt động đánh bắt trộm của các tàu cá Trung Quốc trong vùng biển Nhật Bản cùng các biện pháp ngăn chặn cứng rắn của Tokyo đang làm cho quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á nổi sóng.

Biển Nhật Bản nổi sóng ảnh 1Cuộc đối đầu giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư

Những con số thống kê mà Nhật Bản đưa ra cho thấy, trong năm 2013, số lượng tàu cá Trung Quốc bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát đi cảnh cáo rời khỏi là 88 chiếc. Thế nhưng chỉ trong 9 tháng vừa qua, con số này đã tăng lên 207 chiếc, một tần suất gia tăng chóng mặt làm Tokyo giật mình. Riêng tại vùng biển gần quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), có khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động.

Vì sao các tàu cá Trung Quốc gia tăng hoạt động, kể cả đánh bắt trộm trong vùng biển Nhật Bản như vậy? Đó là do nhu cầu nội địa tăng, khi thu nhập tăng lên, sức tiêu thụ của người Trung Quốc cũng tăng, nhất là về hải sản. Tỷ lệ tiêu thụ đồ biển bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Nhu cầu tăng nhưng nguồn cá trong nước lại cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, bị ô nhiễm và bị cải tạo đất quá mức dọc các khu vực ven biển. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều tàu cá Trung Quốc phải vươn ra xa bờ, thậm chí tràn tới cả những vùng biển của nước khác, trong đó có Nhật Bản.

Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng đột biến này là cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Tokyo liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa đảo Senkaku vào năm 2012, hoạt động của tàu Trung Quốc tại vùng biển quần đảo này trở nên thường xuyên hơn. Chính quyền Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc thúc đẩy hoạt động đánh cá trái phép này với mục đích thay đổi thực địa nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.

Điều này cũng được báo chí và các học giả phương Tây lý giải: Trung Quốc thúc đẩy hoạt động của ngư dân để củng cố những tuyên bố chủ quyền trong các vùng biển chồng lấn. Sự bành trướng ngư trường của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi các mục đích chính trị, dựa vào một chiến lược “bắt cá, bảo vệ, cạnh tranh và chiếm giữ”.

Hiện tại, để đối phó với tàu cá Trung Quốc, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã củng cố đội tàu tuần tra, qua đó tăng cường biện pháp đương đầu với tàu của Trung Quốc. Nhật Bản cũng phạt nặng những tàu xâm phạm trái phép. Chỉ riêng trong tháng 10, đã có 4 thuyền trưởng Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ tại khu vực gần đảo Senkaku. Nếu bị kết án vi phạm và không chấp hành lệnh khám tàu, các thuyền trưởng này sẽ phải ngồi tù 6 tháng hay nộp phạt 300.000 yên (2.770 USD) theo luật ngư nghiệp của Nhật Bản. 

Có điều cho đến nay, các biện pháp trên chưa ngăn được các tàu cá Trung Quốc. Các chuyên gia về biển lo ngại quan hệ Bắc Kinh - Tokyo sẽ còn nóng lên với kế hoạch của Nhật Bản đặt tên cho các đảo vô danh để củng cố chủ quyền. Ước tính Nhật Bản có khoảng 280 đảo vô danh và hiện giới chuyên gia biên giới, hải đảo Nhật Bản thống nhất gửi kiến nghị chính quyền nước này đặt tên cho 160 đảo vô danh. Vùng biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ còn nổi sóng.