Biện hộ cho… những người có tội

ANTĐ - Trong lễ ra mắt tập truyện ngắn thứ hai của mình có tên “Người đàn bà nghịch cát”, nhà văn   Nguyễn Đăng An cho biết, các nhân vật của ông đều có trong đời thực, có nhân vật là anh em, những người thân xung quanh, có nhân vật là chính bản thân ông. 

Tập truyện ngắn “Người đàn bà nghịch cát” vừa ra mắt

“Người đàn bà nghịch cát” - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 12 truyện ngắn hầu hết được Nguyễn Đăng An sáng tác trong vài năm trở lại đây, đánh dấu quãng thời gian mối lương duyên với văn chương của ông mặn mà trở lại. Học Tổng hợp văn Khóa 14 (1969-1973), đã từng có truyện ngắn được đạo diễn Đỗ Minh Tuấn dựng thành bộ phim cùng tên - “Người đàn bà nghịch cát” nhưng do nhiều lý do Nguyễn Đăng An đã tạm xa văn chương. Cho đến khi nghỉ hưu ông quyết định xốc lại “tình yêu” với chữ nghĩa bằng việc đăng ký theo học một lớp bồi dưỡng sáng tác và thẩm bình truyện ngắn do Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội mở vào năm 2012. Kết quả từ những nỗ lực ấy là nhiều truyện ngắn chất lượng đã ra đời.

Tất cả các truyện ngắn trong tập “Người đàn bà nghịch cát” đều được tác giả sáng tác bằng bút pháp truyền thống, với cách kể giản dị. Đây vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của ông. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận xét, với Nguyễn Đăng An văn là người, đọc văn có thể hình dung ra tác giả khá chính xác. Từ “Người đàn bà nghịch cát” sống trong lòng bạn đọc, năm 2012, Nguyễn Đăng An đã có “Người đàn bà đợi xe ở thành Rome” được đánh giá cao và ghi nhận bằng giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ. 

Nguyễn Đăng An tâm sự, tất cả những truyện ngắn của ông đều có nguyên mẫu từ đời thực. Ông đã từng được một người đàn bà ngỏ ý... xin một đứa con, người đàn bà ấy sau này đã thành nhân vật trong truyện “Khát vọng thời xa ngái”. Có truyện nhân vật là ông anh rể, có truyện nhân vật chính là tác giả... Nhân vật trong “Giọt nước mắt người lính” là người bạn học thời phổ thông của tôi; nhân vật trong “Căn nhà triệu đô” là bố vợ tôi...”, Khi nghe Nguyễn Đăng An kể về sự tích nhân vật không ít người nghe phải ngạc nhiên.

 Nhưng rồi: “Tôi đã thổi vào đó hình hài, linh hồn được soi chiếu từ góc nhìn đa chiều, thuận có, nghịch có, cả thuận và nghịch đan xen cũng có để tạo ra những nhân vật văn học sống động, cuốn hút độc giả...”.  Những truyện ngắn này theo cảm nhận của GS. Nguyễn Văn Thành, một người bạn của tác giả, là “dù truyện ngắn kết thúc nhưng chuyện đời chưa kết thúc”. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã từng dựng phim từ tác phẩm của Nguyễn Đăng An (khi ấy chính đạo diễn cũng không biết tác giả thực sự là ai vì Nguyễn Đăng An đang công tác xa và khi in truyện đã dùng bút danh là tên người em trai Nguyễn Trường Sinh) cảm nhận về các truyện ngắn trong tập “Người đàn bà nghịch cát” rằng, “như thể Nguyễn Đăng An biện hộ cho những người có tội”. Kể lại việc làm phim “Người đàn bà nghịch cát”, Đỗ Minh Tuấn nói, bộ phim đề cập đến “cái ác của con người trong việc nhìn nhận tội lỗi của con người”, vấn đề khá mới trong những năm đầu đổi mới. 

Nguyễn Đăng An có một cuộc đời khá đa diện, ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và tích lũy được cho mình những vốn kiến thức quý giá. Kho dữ liệu quý ấy, theo nhà phê bình Văn Giá, cũng đủ để làm nên một văn nghiệp. Bây giờ thì kho nguyên liệu ngồn ngộn ấy đang được Nguyễn Đăng An mở khóa và biến dần thành những sản phẩm văn chương. Và công việc ấy, theo như nhiều bạn bè của nhà văn, thứ cần nhất chính là tài năng.