Biển Đông trong tâm thức người Việt

ANTĐ - Người Việt tuy chịu ảnh hưởng của khoa cử Nho học qua sách Nho học, lịch sử Trung Quốc, chỉ biết giang (tức sông) và sơn (tức núi) khi nói đến “giang sơn” gấm vóc của mình, hay với sơn (non) hà (sông), khi nói với “sơn hà”, non sông, Tổ quốc. Song với tâm thức của mình người Việt vẫn có quan niệm về “nước” nói chung kể cả nước sông, nước biển, nước suối, ao hồ và vẫn gọi “Đất Nước” là Tổ quốc mình hay “Quốc gia”, nước nhà cũng là Tổ quốc mình. Như thế khác với quan niệm “Giang Sơn” hay “Sơn Hà” của Trung Quốc, người Việt với quan niệm “Đất Nước” bao gồm cả Biển  Đông của người Việt.

Biển Đông trong truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và An Tiêm

Theo Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu thời Trần , Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thời Nguyễn có ghi chép truyện Lạc Long Quân - Âu Cơ, truyện Hồng Bàng lấy từ truyện dân gian trong Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Trích Quái. Truyền thuyết Rồng Tiên: Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng, trăm Việt, trăm người con trai đồng bọc, đồng bào; 50 con theo Mẹ lên núi, 50 con theo Cha xuống Biển Đông, xuống Phương Nam lập nghiệp trong đó có họ Việt Thường, các xứ thuộc Đông Nam Á.

Cũng theo truyền thuyết thời Hùng Vương thứ 18 nuôi người con tên Mai Yến hiệu An Tiêm bị Vua nghe lời gièm pha cho đi đầy ở hòn đảo ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hóa). An Tiêm cùng vợ tự lập sống trên đảo, trồng “Dưa hấu” hay “Tây qua”, sống phát đạt ở đảo khiến nhà Vua thán phục cho triệu về phục chức cũ. 

Với truyền thuyết 50 con trai theo Lạc Long Quân xuống biển lập nghiệp cùng tinh thần sống tự lập trên hoang đảo của An Tiêm đã đi vào tâm thức người Việt rất gắn bó với Biển Đông, không sợ biển, sẵn sàng sống với biển. Cũng từ đó tục xâm mình từ thời Hùng Vương không sợ loài thủy quái và tinh thần “Đất nước” khác hẳn với tinh thần “Giang Sơn” hay “Sơn Hà” của người Trung Quốc.

Bờ cõi càng tiến về Phương Nam càng gắn bó với Biển

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, năm Kỷ Tị (năm 1149) thời Lý Anh Tông, tại Vịnh Hạ Long, Vân Đồn là thương cảng đầu tiên tiếp nhân thương Qua Oa (Java) và Tiêm La (Thái Lan) để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương. Về sau, có thêm thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Trung Cận Đông đến giao thương. Từ đó hoạt động kinh tế của Vân Đồn ngày càng phát triển, đạt đến sự hưng thịnh trong các thế kỷ XII - XVII. Đến thời Pháp thuộc, Hải Phòng thay thế cho Phố Hiến và Vân Đồn. 

Từ khi Nhà Trần gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chăm lấy 2 châu Ô, châu Lý, người dân Việt di dân vượt qua đèo Ngang đến vùng đất khô cằn với những con sông chảy ra Biển Đông, các vùng đất liền ngăn cách bởi những đèo như Hải Vân khiến cư dân phải ra biển sinh sống và liên lạc giữa các vùng đất liền, cư dân Việt bắt chước người Chăm có thói quen ra Biển Đông hơn trước.

Khi thủ phủ xứ Đàng Trong đặt ở Phú Xuân - Huế, cách Biển chỉ hơn 10km vào đầu thế kỷ XVII, Ngư dân bắt đầu khai thác sản vật Biển Đông xa bờ khi Chính quyền Đàng Trong có những thông tin về những tàu bị đắm ở Paracel (Hoàng Sa) với nhiều súng ống, vàng bạc và cũng là nơi có nhiều các sản vật biển như ốc tai voi, ba ba biển, hải sâm vốn có ở quanh Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn) quen cung ứng hải sản cho các thương gia buôn bán ở Hội An. Các chúa Nguyễn đầu tiên đã có chủ trương thành lập Đội dân binh Hoàng Sa với 70 suất đinh hàng năm đi khai thác các sản vật ở Hoàng Sa, được cung cấp 6 tháng lương thực, miễn sưu dịch, cử đội trưởng hay cai đội kiêm luôn chức quan Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ. 

Từ đó Quảng Ngãi với đảo Lý Sơn nhô ra xa nhất Biển Đông đóng vai trò quan trọng khai thác Biển Đông, nhất là đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ngoài nhiệm vụ khai thác các sản vật mà còn lo quản lý Biển Đông chống cướp biển. Sau này khi thủy quân được giao phó nhiệm vụ đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, dân binh đội Hoàng Sa luôn giữ vai trò hỗ trợ kể cả hướng dẫn hải trình, lái thuyền và dân phu công tác phụ giúp thủy quân nhà Nguyễn  tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các cư dân từ miền Trung di cư vào miền Nam bằng đường biển và lập nghiệp tại vùng châu thổ Cửu Long. Trong khi ngoài Biển Đông khai thác vẫn còn trông cậy dân miền Trung Bình Thuận qua đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản .

Từ thủy quân các triều đại đến hải quân thời Nguyễn 

Từ thế kỷ X mở đầu thời Độc lập tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, thủy quân qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần chủ yếu hoạt động trên sông, tuy nhiên cũng có những cuộc hành quân trên biển khi Lý Thường Kiệt đưa cánh quân vượt biển đánh thành Ung Châu, Khâm Châu hay thời nhà Trần dùng hải quân đánh tan đoàn tải lương Trương Văn Hổ gần Vân Đồn. Đến thời Lê Thánh Tông để chuẩn bị Nam Chinh, thủy quân được tập dượt đi biển hải chiến đã có hạm đội tới 5.000 chiến thuyền. 

Từ khi thủ phủ Xứ Đàng Trong về Phú Xuân, thủy quân chủ yếu hoạt động trên Biển Đông, thời chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan 1635-1648) đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (tức Thuận An) vào năm 1644; Hà Lan là một trong những quốc gia có lực lượng thủy quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Đến khi thủ phủ Tây Sơn ở Qui Nhơn, sát Biển Đông thì những cuộc hành quân của Nguyễn Huệ vào Nam đánh Chúa Nguyễn hay cuộc hành quân của Nguyễn Ánh đánh ra đánh quân Tây Sơn ở Qui Nhơn hay ở Phú Xuân đều có cánh quân đi đường biển nên lực hải quân khá hùng hậu. Nguyễn Ánh đã dùng các chuyên gia hải quân Tây Phương như Dayot, Vannier, tổ chức đóng tàu thuyền kiểu Phương Tây, hoạt động thủy quân trên biển.

Vua Minh Mạng theo gương vua cha là vị hoàng đế rất quan tâm đến việc học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, mà vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền. Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp. 

Cũng trong thời nhà Nguyễn, trước sự hoành hành của cướp biển Tầu Ô, sau khi nhận được bản tấu của đại thần Bùi Viện gửi ngày mồng 8 tháng 7 năm Bính Tý (1876) đề nghị lập một “đội hải quân đi tuần khắp miền duyên hải nước ta” với nhiệm vụ “vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ các nhà buôn và trừ diệt những giặc bể còn đương hoành hành ở Đông hải”, vua Tự Đức đã đồng ý cho lập lực lượng Tuần dương quân thuộc Nha tuần hải do chính Bùi Viện phụ trách với chức phong Thương chính tham biện kiêm Tuần hải nha chánh quản đốc. 

Tuần dương quân đã giao chiến nhiều trận với giặc biển Tầu Ô, có lần truy đuổi chúng đến tận đảo Hải Nam. Dần dần các tuyến hàng hải trở lại yên ổn, các cửa biển trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Tiếc rằng lực lượng tuần duyên đầu tiên của nước ta tồn tại không được lâu, ngay sau cái chết đột ngột của Bùi Viện vào ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Dần (1878), không ai có đủ khả năng và uy tín kế thừa vị trí của ông nên lực lượng này đã tan rã nhanh chóng. 

Xác lập chú quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa 

Chính vì các vua triều Nguyễn quan tâm đến hải quân, sử dụng kỹ thuật tân tiến của Phương Tây và quan niệm chiếm hữu thật sự, liên tục và hòa bình của Phương Tây theo luật pháp quốc tế thời đó nên từ năm 1816 thủy quân được giao nhiệm vụ công tác tại Hoàng Sa và Truờng Sa. Theo quan niệm thời đó Hoàng Sa và Trường Sa là một, ở ngoài Biển Đông thường được gọi là Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa hay Hoàng Sa (Cát vàng) nói chung. Năm 1836 thời vua Minh Mạng cũng theo Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 221 sai thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, dựng miếu, vẽ bản đồ thành lệ hàng năm. Đại Nam Thực Lục Lục Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 còn ghi rõ: “Vua Minh mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc chủ quyền”. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: “Minh mạng thập thất niên (1836), Bính thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng sa đường độ chí thủ lưu chí đẳng tự” (năm Minh Mạng thứ 17, năm bính Thân (1836) thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đấy lưu dấu để ghi nhớ) - (tờ 24b-25b).

Còn Trung Quốc từ thời Minh với ý đồ bành trướng, từng xua quân đô hộ nước ta song đã bị Lê Lợi khởi nghĩa sau trận Chi lăng chấm dứt thời Minh thuộc hơn 20 ăm lệ thuộc. Còn Trịnh Hòa đã 7 lần qua Nam Hải tới tận Madagasca, Châu Phi diễu võ dương oai với thế giới đâu có đoái hoài đến các đảo đá san hô mà thường tránh xa vì sợ tàu bị đắm. Nên mãi đến năm 1909, chính quyền Quảng Đông mới tuyên bố là đất vô chủ và bắt đầu tranh chấp chủ quyền của Việt Nam hồi ấy Nước Nam mất quyền tự chủ ngoại giao vào trong tay người Pháp. 

 Sau đó, năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ Hoàng Sa và năm 1988 chiếm một số bãi đá ở Trường Sa bắt đầu đưa ra những bằng chứng lịch sử có tính cách suy diễn, cắt xén, không có thật. 

Sự thật lịch sử chỉ có một. Cái gì của Ceasar phải trả cho Ceasar.