Biển Đông trong "tâm điểm" ASEAN

ANTD.VN - Biển Đông với vị trí địa - chính trị - kinh tế mang ý nghĩa then chốt với hòa bình, ổn định và sự phát triển của cả khu vực là một “tâm điểm” nổi bật tại các hội nghị ASEAN đang diễn ra tại Philippines.

Biển Đông trong "tâm điểm" ASEAN ảnh 1Lãnh đạo 10 nước ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố về bảo vệ môi trường ở Biển Đông

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn một văn bản công bố vào tối 13-11 cho biết, lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc đang tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila (Philippines) đã thông qua Tuyên bố về Thập kỷ bảo vệ môi trường bờ biển và trên biển ở Biển Đông (2017-2027). Theo đó, đặt ra một giai đoạn 10 năm, kéo dài tới năm 2027, nhằm bảo vệ các tài nguyên bờ biển và trên biển ở Biển Đông trong bối cảnh diễn ra tranh chấp lãnh thổ kéo dài tại vùng biển này. 

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, việc bảo tồn và quản lý bền vững môi trường bờ biển và trên Biển Đông là “quan trọng đối với sự thịnh vượng kinh tế, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các nước ASEAN và Trung Quốc”. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, cho đến khi có một sự giải quyết toàn diện và lâu dài các tranh chấp lãnh thổ và tranh cãi về thẩm quyền, các bên liên quan sẽ nghiên cứu hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác có liên quan mà không gây hại cho lập trường của các bên liên quan. 

Tuyên bố chung giữa 10 thành viên ASEAN với Trung Quốc về bảo vệ môi trường ở Biển Đông chỉ là một trong số nhiều văn kiện, tuyên bố, phát biểu… về Biển Đông tại Hội nghị cấp cao thường niên ASEAN lần thứ 31 đang diễn ra tại Manila. Hầu như bất kỳ nhà lãnh đạo ASEAN hay các nước đối tác, bên đối thoại của ASEAN khi phát biểu tại hội nghị đều đề cập tới vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cách thức duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở đây.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi những căng thẳng, tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý cũng như sự xâm hại nghiêm trọng môi trường tại Biển Đông đang là những nhân tố gây mất ổn định cho một vùng biển rộng lớn, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với khu vực và toàn cầu. Không chỉ chiếm tới khoảng 40% lượng hàng hóa vận tải biển với hàng trăm tàu lớn qua lại mỗi ngày, Biển Đông còn là vùng biển giàu có tài nguyên thiên nhiên với trữ lượng hàng chục tỷ thùng dầu, nhiều kim loại quý hiếm… cùng một hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.

Bởi thế Tuyên bố về Thập kỷ bảo vệ môi trường bờ biển và trên biển ở Biển Đông (2017-2027) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tạo cơ sở và ràng buộc để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên Biển Đông cho dù đang có tranh chấp, căng thẳng. 

Cũng tại Hội nghị cấp cao thường niên diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN ở Philippines, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý để phòng ngừa xung đột, giải quyết các bất đồng và tranh chấp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, các cuộc đàm phán về COC có thể bắt đầu được tổ chức vào năm 2018. 

Trong bối cảnh đó, giới quan sát rất chú ý tới việc Tuyên bố chung Philippines-Mỹ công bố ngày 13-11 sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đã nhấn mạnh lại cam kết duy trì các nguyên tắc, trong đó có tự do hàng hải, tự do bay ngang qua Biển Đông và sự tự kiềm chế. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cũng như sự cần thiết phải tiếp tục theo đuổi các biện pháp gây dựng lòng tin nhằm gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng, trong đó có quân sự hóa trên Biển Đông.