Biển Đông "phủ bóng" quan hệ Mỹ - Trung

ANTĐ - Cuộc đối thoại chiến lược thường niên giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh với “tiêu điểm” là những  tranh cãi và bất đồng sâu sắc về vấn đề Biển Đông.

Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi giải quyết bất đồng song vấn đề Biển Đông vẫn “phủ bóng” lên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8

Cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên lần thứ 8 bắt đầu ngày 6-6 tại Thủ đô Bắc Kinh với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dẫn đầu phái đoàn tham dự sự kiện quan trọng hàng đầu trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc này về phía Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew;  chủ nhà Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì cùng Phó Thủ tướng Uông Dương.

Như những cuộc đối thoại thường niên trước đây, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 8 lên chương trình nghị sự thảo luận hàng loạt vấn đề giữa hai nước, từ các vấn đề song phương về kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân, an ninh mạng cho tới những vấn đề đa phương như chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên… Song tương tự cuộc đối thoại lần thứ 7 cách đây đúng 1 năm, vấn đề Biển Đông đã nổi lên chi phối không chỉ diễn đàn đối thoại này mà cả mối quan hệ Mỹ-Trung.

Việc Trung Quốc ráo riết bồi đắp, xây dựng các bãi đá, rạn san hô mà họ chiếm giữ phi pháp ở Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo, đi đôi với tiến hành quân sự hóa đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển chiến lược này nói riêng, ổn định và an ninh khu vực nói chung.

Là một quốc gia nằm trên Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn gắn với bờ bên kia của đại dương lớn nhất thế giới, Mỹ tất nhiên không bao giờ chấp nhận để Trung Quốc mặc sức “làm mưa làm gió” trên Biển Đông, một phần rất quan trọng của Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Biển Đông còn được xem là “liều thuốc thử” để “định vị” lại vị thế những siêu cường hàng đầu thế giới. Trung Quốc cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế, đi kèm với đó là sức mạnh quân sự, đang rất muốn vươn lên chiếm giữ vai trò của một siêu cường hàng đầu thế giới để có tiếng nói chẳng kém gì Mỹ.

“Cửa ngõ” để Trung Quốc đi ra, vươn lên tầm cường quốc toàn cầu là kiểm soát, khống chế nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Ngoài việc bảo vệ những lợi ích trên Biển Đông, Mỹ thừa hiểu Bắc Kinh đang dùng Biển Đông để “nắn gân”, “thử phản ứng” của Washington trước việc Trung Quốc muốn cạnh tranh vai trò siêu cường toàn cầu với Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khi cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên Biển Đông như là sự bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã tuyên bố rằng, Mỹ là nước hùng mạnh nhất trên Trái đất và các tàu thuyền, máy bay của Mỹ có thể đi lại bất cứ đâu trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép.

Thế nên, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi khai mạc đối thoại có kêu gọi “Trung Quốc và Mỹ cần tăng sự tin tưởng lẫn nhau” và “hai nước cần nỗ lực gấp đôi để giải quyết các xung đột” thì cũng không dễ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

Vấn đề này hiện đã thay thế các vấn đề như tỷ giá đồng nhân dân tệ và an ninh mạng, “phủ bóng” lên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung cũng như quan hệ giữa hai cường quốc này.