Biển Đông làm nóng hội nghị Mỹ - ASEAN

ANTĐ - Trái với những thông tin rằng vấn đề Biển Đông có thể bị né tránh, Washington đã chính thức xác nhận sẽ bàn thảo vấn đề này tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, diễn ra tại thành phố Sunnylands, bang California, Mỹ trong hai ngày 15 và 16-2.

Biển Đông làm nóng hội nghị Mỹ - ASEAN ảnh 1

Khu nghỉ dưỡng Sunnylands - nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN

Đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ diễn ra trên đất Mỹ. Rất nhiều vấn đề sẽ được bàn thảo, từ hợp tác kinh tế - thương mại, bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương tới chống khủng bố và các thách thức xuyên quốc gia…, nhưng tranh chấp trên Biển Đông vẫn là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Điểm đáng chú ý là Mỹ khá chủ động trong việc đưa vấn đề này vào nội dung chương trình nghị sự. Xem ra, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, ồ ạt bồi lấp 7 đảo nhân tạo và xây dựng một loạt sân bay để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý đã khiến cộng đồng quốc tế, trong đó có dư luận Mỹ, lo ngại.

Mới đầu tháng 2 vừa rồi, trong một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng các yêu sách chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 80% diện tích biển này. Ngày càng có nhiều quan chức Mỹ cũng bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Những năm gần đây, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á đã khiến Mỹ phải tìm cách cân bằng lại ảnh hưởng. Đông Nam Á là nơi mà Mỹ có lợi ích kinh tế lâu dài. Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư khoảng 226 tỷ USD vào khu vực này, trong khi kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 254 tỷ USD trong năm 2015. Trong tương lai, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ cùng 4 thành viên ASEAN tham gia sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác của Mỹ với khu vực.

Chính vì thế, trong triển khai chiến lược “tái cân bằng”, “xoay trục” về châu Á, Washington rất quan tâm đến các vấn đề của Đông Nam Á, trong đó có những diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Đáng chú ý là nếu như trước đây, hành động của Mỹ thường chỉ dừng ở việc phê phán những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hợp tác giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế thì thời gian gần đây, Washington bắt đầu có những việc làm cụ thể. 

Nổi bật là sự kiện ngày 30-1, Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc cụm Lưỡi Liềm, trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp kể từ năm 1974. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc J. Davies tuyên bố thẳng: “Mục tiêu của chuyến tuần tra là thách thức các nỗ lực hạn chế tự do hàng hải trong khu vực”. Nhiều quan chức Washington cũng không ngần ngại khi công khai chỉ trích các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiêu khi Biển Đông  tiếp tục là chủ đề nóng tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này tại California. Tiết lộ với báo giới trước khi lên đường đi Mỹ, ông Albert del Rosario, Ngoại trưởng Philippines, cho biết các nước sẽ tổ chức họp để thảo luận về những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cụ thể là các hoạt động bồi lấp trái phép các bãi đá của Trung Quốc ở Trung Sa, vấn đề tự do hàng hải và việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chiều 14-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ từ ngày 15,16-2 theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.