Biển Đông cần hòa bình

(ANTĐ) - Những bất ổn thời gian qua trên Biển Đông, một vùng biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hoà bình và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đang gây ra những lo ngại sâu sắc.

Biển Đông cần hòa bình

(ANTĐ) - Những bất ổn thời gian qua trên Biển Đông, một vùng biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hoà bình và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đang gây ra những lo ngại sâu sắc.

Biển Đông có tuyến vận tải huyết mạch của thế giới và khu vực với khoảng 200 tàu lớn qua lại mỗi ngày

Biển Đông có tuyến vận tải huyết mạch của thế giới và khu vực với khoảng 200 tàu lớn qua lại mỗi ngày

Dư luận thế giới liên tiếp thông tin về các vụ tàu Trung Quốc phá rối khắp Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia trong khu vực, nhất là Việt Nam và Philippines. Dư luận rất lo ngại trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam để phá hoại cáp thăm dò địa chấn của các tàu Bình Minh 02 và Viking II.

Nguy cơ bất ổn an ninh tại khu vực biển chiến lược trọng yếu như Biển Đông đang được dư luận khu vực và thế giới quan tâm theo dõi sát sao. Các nước liên quan đều có lợi ích sát sườn khi xuất hiện mối đe doạ với tự do và an ninh hàng hải trên biển Đông - nơi có tuyến vận tải huyết mạch chuyên chở 2/3 lượng hàng hóa của các nước châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 200 tàu lớn qua lại mỗi ngày.

Tại Hội nghị Các quan chức cấp cao ASEAN, ASEAN+3 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra tại Surabaya (Indonesia) từ 7 đến 10-6, nhiều nước đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, bày tỏ lo ngại về một số diễn biến phức tạp gần đây. Chính phủ Mỹ ngày 10-6 đã bày tỏ sự lo ngại trước những căng thẳng liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, cho rằng việc phô trương sức mạnh và các hành động khác sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Dư luận cho rằng tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau và phải giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi phản đối sử dụng vũ lực và khẳng định đối thoại sẽ giúp ngăn ngừa xung đột giữa các nước đang tranh chấp tại Biển Đông.

Lên tiếng tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN, ASEAN+3, EAS và ARF ở Indonesia mới đây, đại diện nhiều nước đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Các nước cho rằng cần phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất thiết thực và mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro về việc sẽ có bước tiến mới về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối năm nay và của Thủ tướng Campuchia Hunsen mong muốn COC sẽ được ký kết năm 2012 tại Campuchia. Tuy nhiên, trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, thì tất cả những tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau.                    

     Hoàng Hà