Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

ANTĐ - Biến đổi khí hậu không chỉ đe dọa trực tiếp tới môi trường sống trên toàn cầu mà còn có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đói nghèo cho hàng tỷ người trên thế giới.

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu ảnh 1Những hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn tới mất mùa nặng ở nhiều khu vực của châu Á

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 3-11, Đặc phái viên LHQ về vấn đề quyền được tiếp cận lương thực Hilal Elver đã cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng của biến đối khí hậu với an ninh lương thực toàn cầu. Đáng chú ý là, thông cáo báo chí này được đưa ra trước thềm Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp) từ 30-11 đến 11-12 tới với mục tiêu đạt được thỏa thuận mang tính pháp lý trên quy mô toàn cầu để giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trước thềm hội nghị quan trọng, Đặc phái viên LHQ Hilal Elver nêu rõ, thời tiết toàn cầu ngày nay thường xuyên khắc nghiệt, nhiệt độ ngày một tăng, nước biển dâng, các trận lũ lụt và hạn hán ngày một nhiều… đang gây tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực của thế giới, thậm chí dẫn đến nguy cơ thế giới sẽ có thêm 60 triệu người suy dinh dưỡng vào năm 2080. Tất cả những hiện tượng thời tiết cực đoan trên đều gây tác động tiêu cực tới mùa màng, gia súc, nông nghiệp và kế sinh nhai của hàng tỷ người dân.

Theo ước tính của LHQ, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Nếu sản lượng lương thực toàn cầu không tăng tới mức này, một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ xảy ra, kèm theo đó là tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh bởi hiện cả thế giới đã có khoảng gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng vì thiếu ăn.

Gánh nặng nuôi hơn 7 tỷ người dân thế giới đang gia tăng sẽ càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực. Những nghiên cứu mới đây cho thấy các kết quả rất đáng báo động, như tại khu vực Đông và Nam Á còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp thì biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, theo dự báo đến năm 2020, lượng mưa tại vùng châu Phi cận Sahara đói nghèo bậc nhất thế giới hiện nay sẽ giảm một nửa.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu có thể làm sản lượng nông sản nhiều nơi trên thế giới tổn thất đến 50%. Bởi thế, nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị thiếu đói và suy dinh dưỡng tăng vọt, trong đó số người bị đói có thể lên tới 60 triệu người vào năm 2020 bên cạnh hơn 1 tỷ người suy dinh dưỡng.

Vì vậy, một phần rất quan trọng của cuộc chiến chống đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực chính là chống lại biến đối khí hậu làm Trái đất nóng lên gây hiệu ứng nhà kính. Bà Elver cho biết, hiện các tổ chức quốc tế đang gia tăng áp lực buộc những nước tham gia Công ước LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) phải sớm đạt được một thỏa thuận về vấn đề này nhằm tôn trọng, bảo vệ quyền được tiếp cận lương thực thực phẩm cho tất cả mọi người, và nhất là những người nghèo sống dựa vào sản xuất lương thực tại các nước đang phát triển bị thiệt hại nhiều nhất do sự biến đổi khí hậu.