Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực

ANTĐ - Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, suối, xâm nhập mặn. 

Biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn tới Việt Nam, nhất là vùng nông thôn

Năng suất lúa có thể giảm 10%

Theo dự báo, thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại hình thiên tai đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích gần 11.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Lĩnh vực trồng trọt cũng được đánh giá sẽ chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng sản lượng sản xuất trồng trọt có thể giảm từ 1-5%/năm, năng suất cây trồng chính có thể giảm 10%, đặc biệt là lúa. Các dự báo cũng cho thấy, trong tương lai không xa, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương hơn 40% tổng sản lượng lúa cả vùng. Cùng với đó, nước biển dâng cao cũng làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, khả năng sẽ có 2,4 triệu ha đất bị nước biển xâm nhập. Hiện, độ nhiễm mặn 4 ‰ đã lấn sâu vào 30-40km tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 1,3 triệu ha. 

Còn, vùng núi phía Bắc, miền Trung,  Tây Nguyên phải đối mặt với nguy cơ gia tăng cường độ hạn hán do biến đổi khí hậu. Xu hướng này ngày càng rõ ràng khi các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất trong vụ Đông Xuân vừa qua và sắp tới là vụ Mùa 2013. 

Nông nghiệp phát thải tỷ lệ lớn khí nhà kính

Trong khi đó, ở nước ta việc phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trên 43%.  Trong đó canh tác lúa nước gần 58%, sử dụng đất nông nghiệp chiếm 22%, chăn nuôi và chất thải chăn nuôi chiếm 12%. Nhằm đối phó với tình trạng này, trong giai đoạn từ năm 2008-2012, nước ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần hạn chế sự gia tăng tốc độ BĐKH toàn cầu, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững như: Xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi;…

Đánh giá về những kết quả cũng như chương trình hành động ứng phó BĐKH của Việt Nam thời gian qua, bà HE. Madam Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia sớm đưa ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính dù lượng phát thải chiếm tỷ lệ ít. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia bị BĐKH tác động nhiều nên trong kế hoạch hành động cần đưa ra những chương trình cụ thể với những mức độ khác nhau. 

Nhiệt độ trung bình sẽ tăng 2-3 độ C

Bộ TN-MT đã công bố Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012 và kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012- 2020. Kịch bản này cũng cho biết, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam tăng 2-3 độ C trên phần lớn diện tích cả nước, lượng mưa năm tăng từ 2-7%. Về nước biển dâng, vào cuối thế kỷ XXI, ở ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng từ 57-73cm, khu vực Cà Mau và Kiên Giang có mực nước biển tăng cao hơn so với các khu vực khác.