Biên đạo múa Tấn Lộc: “Tôi không đến nỗi gàn”

ANTĐ - Nhiều năm đứng sau dàn dựng các sân chơi từ thi sắc đẹp đến người mẫu, cũng là người “mát tay” khi đạo diễn các chương trình của nhiều ca sĩ nổi tiếng, biên đạo múa Tấn Lộc được xếp vào hàng “sao” trong làng múa đương đại Việt. Vị biên đạo múa của đất phương Nam sẽ mang vở múa có một không hai về làng quê Việt trình diễn tại rạp Công Nhân (Hà Nội) vào hôm nay 22-1.

Bức tranh làng quê dân dã và lãng mạn  trong “Sương sớm”

Dựng vở chỉ vì… chiếc đũa cả

- PV: Điều gì khiến anh bỗng quan tâm đến việc dựng một tác phẩm múa đương đại về làng quê Việt thế?

- Cũng vì… chiếc đũa cả thôi (cười). Trong lần về quê tôi thấy giờ 10 nhà sống ở đây thì cả 10 nhà không còn dùng đũa cả xới cơm mà thay vào đó là muôi xới cơm bằng nhựa. Bản thân tôi cũng giật mình khi nhận ra mình cũng quên mất hình ảnh quen thuộc của đôi đũa cả ngày nào. Nhiều lần đi lưu diễn ở nước ngoài cũng vậy, mọi người toàn gọi bánh ăn thay cơm. Trong khi hầu như ai cũng xúng xính một vài cái điện thoại đời mới. Đó có lẽ là lý do đầu tiên thôi thúc tôi muốn làm “Sương sớm”, nhất là khi nhóm múa Arabesque của chúng tôi nhận được lời mời tham dự “Liên hoan múa đương đại quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc năm 2011, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải làm gì khác lạ, ra “chất” Việt để không bị lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác.

- PV: Nghe nói khi bắt tay vào dựng vở này, nhiều người bảo anh gàn?

- Đúng là vậy, tôi thì lại nghĩ dựng những cái hiện đại nhiều người biết và quan tâm rồi, tại sao mình lại không làm cái gì khác lạ đi. Và rồi khi dựng xong và đem vở ra công diễn, may mắn là không thấy khán giả nào bỏ về giữa chừng, thậm chí cho tới khi diễn viên ra tới ngoài cửa rồi thì họ mới về. Có lẽ vì thế tôi nghĩ mình không đến nỗi gàn (cười).

- PV: “Sương sớm” - một cái tên khá lãng mạn nhưng ít khiến người ta liên tưởng riêng về làng quê Việt. Tại sao anh lại chọn đặt tên này?

- Hình ảnh giọt sương tụ lại qua một đêm, đến khi trời sáng nắng rọi vào lung linh trước khi tan biến đi. Hình ảnh đẹp đẽ ấy ngày nào cũng có và ngày nào cũng lặp đi lặp lại. Điều ấy khiến tôi liên tưởng đến đức tính cần cù chăm chỉ của người nông dân Việt Nam. Họ không chỉ lao động lam lũ mà còn có đời sống tinh thần rất phong phú song lại được ít người quan tâm.

- PV: Anh nghĩ sao nếu ai đó nghi ngại một người sinh ra ở thành thị như anh liệu có đủ “vốn” để làm về làng quê?

- Đúng là tôi sinh ra ở thành thị, nhưng cũng có một vài năm sống ở dưới quê ngoại Lái Thiêu (Bình Dương). Dù sống trên thành phố nhưng ngay từ khi còn nhỏ, hễ dịp cuối tuần là tôi lại được bố mẹ cho đi thăm thú khắp các làng quê Nam bộ. Có lẽ bởi vậy nên tôi có niềm yêu thích làng quê từ bé.

Mang chất “quê” lên sân khấu 

- PV: Chất “quê” trong vở diễn mà anh cất công tìm lại và mang tới cho người xem là gì thế?

-  Đó là những đạo cụ như vách bằng tán lá dừa, gạo, những vòng hương mang đậm chất làng quê Nam bộ, đó còn là những chiếc quang gánh lúa, gánh gạo, đụn rơm rạ, dụng cụ bắt cá đan bằng tre, là những tấm đệm lá tranh… Khán giả cũng sẽ bắt gặp lại cảm giác thân thuộc về làng quê Việt qua mùi sả non thơm nồng khắp khán phòng cùng âm thanh của hơn 60 loài vật như: tiếng ếch nhái, ễnh ương, tắc kè… len lỏi trong không gian, dưới lớp ánh sáng dịu nhẹ. 

- PV: Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đưa các vở diễn của mình ra với khán giả Hà Nội chứ?

- Đó là điều mà tôi luôn mong mỏi và hy vọng có thể thực hiện được. Hiện tôi cũng đang hợp tác với một nhóm nghệ sĩ phía Bắc từng dựng chương trình “Xiếc làng tôi” để làm một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. Tôi mong có thể sớm đưa nó đến với công chúng Thủ đô.

- PV: Xin cảm ơn và chúc anh thành công!