Biến dạng vì mỹ phẩm làm đẹp "siêu tốc"

ANTD.VN - Chỉ trong một tháng qua, hàng chục nhãn hiệu mỹ phẩm đã bị cơ quan quản lý đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi vì vi phạm chất lượng, trong đó có cả những sản phẩm thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền. Sự “bùng nổ” của thị trường mỹ phẩm trong nước trước nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn khiến cho việc kiểm soát chất lượng mỹ phẩm khó khăn hơn, hệ quả là sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng bị đe dọa.

Biến dạng vì mỹ phẩm làm đẹp "siêu tốc" ảnh 1Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chọn mua và sử dụng mỹ phẩm phù hợp với mình

Mỹ phẩm chứa chất cấm

Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 20353/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi 4 loại mỹ phẩm của Công ty TNHH Mỹ phẩm Hồng Nhung (phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) vì không đạt chất lượng.

Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc 4 lô sản phẩm mỹ phẩm, bao gồm: sản phẩm Cleansing Gel FOB - 80gam (Số lô: 01270116; hạn dùng 27-1-2019); sản phẩm Sữa tắm y khoa Bodymed FOB - 150gam (Số lô: 01100116; hạn dùng 10-1-2019); sản phẩm Dầu gội FOB phòng ngừa gàu, rụng tóc - 200gam (Số lô: 02070116; hạn dùng 7-1-2019); sản phẩm Sữa tắm chống rôm sảy FOB - Baby - 150gam (Số lô: 01020416; hạn dùng 2-4-2019). Các mẫu sản phẩm nêu trên được Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP.HCM lấy kiểm tra chất lượng, kết quả đều không đáp ứng quy định về giới hạn nhiễm khuẩn trong mỹ phẩm.

Không chỉ mỹ phẩm sản xuất trong nước mà nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu, thậm chí các dòng sản phẩm thương hiệu nổi tiếng cũng liên tiếp bị phát hiện có vi phạm. Cuối tháng 10-2016, qua kiểm tra hậu mãi sản phẩm mỹ phẩm tại Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM), Cục Quản lý Dược đã phát hiện 3 sản phẩm mỹ phẩm do công ty này nhập khẩu, đưa ra thị trường có tên, công thức sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.

Cụ thể gồm: mỹ phẩm Phytomer-Gommge; mỹ phẩm Roberto Vizzari - Vizzari White Women - Eau de parfum; mỹ phẩm Evafor - Whisky Men Sliver - Eau de Toilete. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam báo cáo việc thu hồi các lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định trên về Cục trước ngày 5-11-2016, đồng thời thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với cả ba sản phẩm mỹ phẩm này.

Trước đó, đầu tháng 8-2016, Sở Y tế Hà Nội ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi cùng lúc 13 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Đây cũng là những mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc, trong đó có nhiều mỹ phẩm chứa các thành phần “chất cấm” như: kem trắng da ngừa trị mụn Bảo Lâm 25g (Lô 12, ngày sản xuất 17-12-2015, hạn dùng 17-12-2018) do Công ty Cổ phần Đông y dược Bảo Lâm sản xuất, mỹ phẩm này có chứa Dexamethason acetat, là thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; 2 loại mỹ phẩm có chứa Clobetasol propionate - thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm gồm kem 3 trong 1 (nám-mụn-giảm thâm) Ngọc Ân (Lô 015, ngày sản xuất 2-2-2016, hạn dùng 2-2-2019) do Công ty TNHH MTV SX-TM Xuất nhập khẩu mỹ phẩm Tùng Ân sản xuất và Nhau thai cừu phấn hoa NAK Q10 (18g) (Lô sản xuất 006, ngày sản xuất 23-3-2016, hạn dùng 23-3-2019) do Công ty TNHH MTV SX-TM mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My sản xuất…

Biến dạng vì mỹ phẩm làm đẹp "siêu tốc" ảnh 2Bệnh nhân nằm điều trị tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai vì dị ứng, mẩn ngứa toàn bộ khuôn mặt do dùng mỹ phẩm trắng da

Bùng nổ mỹ phẩm làm đẹp “siêu tốc”

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, đặc biệt khi kinh tế phát triển hơn thì nhu cầu làm đẹp cũng tăng theo. Cùng với xu thế này, thị trường mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, nhất là các dòng sản phẩm làm đẹp “siêu tốc” bùng nổ nhanh chóng, thậm chí các dòng “mỹ phẩm tự chế” cũng nở rộ và được quảng cáo nhan nhản trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Hệ quả là không ít người vì quyết tâm làm đẹp bằng mọi giá, thích làm đẹp “siêu tốc” mà đã phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

Mới đây nhất, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho hai mẹ con cùng bị biến chứng nhiễm trùng da sau khi tiêm và bôi thuốc làm trắng da tại một cơ sở Spa tại Hà Nội. Người mẹ 47 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vùng mặt, sưng phù mặt, môi, mí mắt phồng mọng, kèm theo đó là tình trạng khó thở. Người con gái cùng nhập viện với gương mặt tương tự, hai mắt sưng húp, hai má chi chít những mụn nhỏ, sưng tấy… 

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Những trường hợp nhập viện vì “làm đẹp siêu tốc”, sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc như vậy, tại bệnh viện tháng nào cũng gặp. Trước xu hướng bệnh nhân nhập viện vì các nguyên nhân nói trên đang gia tăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Lê Hữu Doanh khuyến cáo, chị em phụ nữ không nên sử dụng các dịch vụ làm đẹp khi chưa được kiểm chứng về mặt khoa học. Việc sử dụng mỹ phẩm tưởng an toàn nhưng nếu dùng tùy tiện, dùng mỹ phẩm trôi nổi cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa tới sức khỏe, thực tế ngay cả những dòng mỹ phẩm nổi tiếng, đắt tiền vẫn có thể gây ra dị ứng hay tác dụng phụ nguy hiểm cho một số người sử dụng, đặc biệt là các mỹ phẩm bôi trên da. 

Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Lê Hữu Doanh đưa ra lời khuyên, muốn lựa chọn được mỹ phẩm an toàn và hiệu quả, mỗi người cần hiểu rõ về làn da của mình, tùy theo loại da và tình trạng của da để chọn cho mình loại sản phẩm phù hợp. Nếu chọn một loại mỹ phẩm mới, nên thận trọng dùng “thử” trước để xem phản ứng với da sau đó mới bôi trên diện rộng, hạn chế phản ứng không mong muốn như da bị dị ứng, mẩn ngứa, nhiễm trùng…

Về góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, sản phẩm mỹ phẩm trước khi công bố và đưa ra thị trường phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, hàng mỹ phẩm nhập khẩu và tự sản xuất trong nước muốn lưu hành trên thị trường đều phải làm các thủ tục kiểm nghiệm và công bố mỹ phẩm. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. 

Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN)… Theo ông Nguyễn Việt Cường, để tăng cường kiểm soát chất lượng mỹ phẩm, cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm với các loại mỹ phẩm tự chế, trôi nổi trên thị trường. Song điều quan trọng nhất là mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, kiến thức khi sử dụng mỹ phẩm để đảm bảo an toàn cho bản thân mình, chỉ chọn mua những sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, tuyệt đối không dùng mỹ phẩm trôi nổi.