Biến công trình cũ thành di sản công nghiệp của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội có 92 nhà máy nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô. Với những giá trị về thời gian, lịch sử và kiến trúc mang trong mình, những nhà máy này liệu có thể xem là di sản công nghiệp của Thủ đô với tư cách là các nhân chứng sống chứng kiến biết bao thăng trầm của Hà Nội?
Nhà xưởng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tại phố Hoàng Hoa Thám có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art- Deco

Nhà xưởng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tại phố Hoàng Hoa Thám có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art- Deco

Nhóm “Vì tình yêu Hà Nội” do TS Nguyễn Trọng Lân, trường Đại học Xây dựng Hà Nội làm trưởng nhóm đã có cuộc khảo sát các nhà máy cũ thuộc diện di dời của Hà Nội. Trong quá trình thu thập tài liệu, nhóm Vì tình yêu Hà Nội nhận thấy, các nhà máy cũ của Hà Nội được chia thành 3 nhóm.

Đó là nhóm các nhà máy phát triển liên tục từ thời thuộc địa, giữ được dấu ấn kiến trúc ban đầu như Nhà máy bia năm 1890, Nhà máy kỹ thuật Điện Thông trước 1954 với kiến trúc thuộc địa hấp dẫn, kết hợp độc đáo giữa kiến trúc dân dụng và công nghiệp.

Nhóm thứ hai có nguồn gốc từ thuộc địa nhưng đã biến đổi hoàn toàn, tái thiết cơ bản sau chiến tranh như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm xây 1905 từng hứng chịu 7 lần ném bom, từng lưu giữ không khí sản xuất hào hùng ở thời hậu chiến với kiến trúc thống nhất đồng bộ và nét đẹp cơ khí mạnh mẽ.

Nhóm thứ ba là nhóm cơ sở công nghiệp xã hội chủ nghĩa phát triển sau 1954 như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long năm 1957, Nhà máy Cao su Sao Vàng năm 1957, Nhà máy Giày vải Thượng Đình năm 1957… Những nhà máy ở nhóm 3 này đã chứng kiến các thế hệ trong cùng một gia đình nối tiếp nhau với nghề. Do thời gian đầu được xây dựng dưới sự giúp đỡ của các nước XHCN, sau mở rộng sản xuất, Việt Nam lại xây dựng tiếp, nên có sự thích ứng với khí hậu Việt Nam, không gian phong phú và chắp nối.

Với lịch sử hình thành cả trăm năm và lưu giữ các giá trị thời gian và kiến trúc, các nhà máy cũ của Hà Nội để được coi là di sản cần căn cứ vào định nghĩa di sản công nghiệp để đánh giá. Theo đó, di sản công nghiệp là những thứ giúp chúng ta kể lại câu chuyện lịch sử của các địa phương thông qua vật thể, ký ức của những con người gắn bó với di sản đó. Hay di sản công nghiệp là những gì còn lại của văn hóa công nghiệp (như các giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hay khoa học và những giá trị khác). Nếu căn cứ vào tiêu chí này, các nhà máy cũ của Hà Nội liệu có được gọi là di sản công nghiệp không?

PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia chia sẻ, trên thế giới, UNESCO đã công nhận nhiều nhà máy, các cơ sở khai thác mỏ là di sản công nghiệp. Đến nay đã có 28 di sản công nghiệp trên thế giới được vinh danh, phân loại được nhiều nhóm như mỏ, hạ tầng giao thông, nhà máy. Nếu căn cứ vào những định nghĩa này, các nhà máy cũ của Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành di sản. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thúy Loan không cho rằng, tất cả các nhà máy cũ đều là di sản, có thể chỉ là di sản bán phần, hoặc di sản một phần. Và việc xác định sẽ phải có hội đồng thẩm định.

Trao đổi cùng phóng viên ANTĐ, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, ở một góc độ nào đó, những cái gì có giá trị thời gian đều có thể trở thành di sản. Tuy nhiên, để trở thành di sản cần có 3 yếu tố là hình-lý-khí, trong đó yếu tố khí đuợc xem là đặc biệt quan trọng, nếu thiếu nó thì chỉ là di tích mà thôi. Ví dụ một ngôi đền thì hình dáng của ngôi đền hiện tại là hình, kiến trúc của ngôi đền theo phương Đông, các vật dụng như hoành phi, câu đối... được coi là lý và các hoạt động tế lễ và thực hành nghi lễ của con người được coi là khí. Căn cứ vào các tiêu chí này, các nhà máy cũ của Hà Nội sẽ được coi là di sản khi có hoạt động của con người, hình dáng ban đầu của cơ sở công nghiệp và kiến trúc cảnh quan chung.

Cũng giống như PGS.TS Phạm Thúy Loan, KTS Đoàn Kỳ Thanh đồng tình với quan điểm, không phải nhà máy cũ nào cần di dời cũng là di sản của Hà Nội. Sự lựa chọn là cần thiết để giữ lại các giá trị di sản của một thời và phát huy các giá trị ấy lên một tầm cao mới như việc biến nơi đây trở thành các không gian sáng tạo, phục vụ cuộc sống con người, mang lại lợi ích cho chính quyền và người dân.

PGS.TS. KTS Phạm Thúy Loan trao đổi thêm: “Trên thế giới, nhiều thành phố đã chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố của du lịch, dịch vụ và công nghệ. Các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân. Tại Hà Nội hiện vẫn còn tương đối nhiều nhà máy trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp”.