Biến chất thải thành vật hữu ích

(ANTĐ) - Nhiều người khi nhìn thấy rác, chất thải họ sẽ tránh xa, nhưng với ông Nguyễn Phi Sinh ở thôn Dương Liễu, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội thì đó lại chính là nỗi trăn trở khôn nguôi.

Biến chất thải thành vật hữu ích

(ANTĐ) - Nhiều người khi nhìn thấy rác, chất thải họ sẽ tránh xa, nhưng với ông Nguyễn Phi Sinh ở thôn Dương Liễu, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội thì đó lại chính là nỗi trăn trở khôn nguôi.

ông Nguyễn Phi Sinh bên những sản phẩm được chế ra từ chất thải
ông Nguyễn Phi Sinh bên những sản phẩm được chế ra từ chất thải

Dấn thân vì môi trường

Làng quê nơi ông có nghề truyền thống làm miến và bánh đa nổi tiếng, những sản phẩm nơi đây được cung ứng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ông Sinh cho biết: “Vào vụ sản xuất (tháng 9; 10 âm lịch), mỗi ngày người dân làng nghề nhập về khoảng 70 xe củ dong riềng, mỗi xe chở 30 - 40 tấn. Tính chung cả năm thì lượng chất thải đổ ra môi trường lên đến hàng trăm nghìn tấn.

Do không được xử lý, nên các ao hồ nơi đây trở nên đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”. Đứng trước nguy cơ ô nhiễm ngày càng nặng nề của làng quê, ông Sinh luôn nung nấu cần làm một việc gì đó cho quê hương.

Qua quan sát thực tế ở các cống rãnh, mương máng trong làng ông thấy cây cỏ ở những chỗ này xanh tốt, điều này chứng tỏ chất thải từ sản xuất miến dong chứa nhiều chất hữu cơ. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng muốn biến những chất thải này thành phân vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Năm 1995, ông Sinh đã tự mình mày mò đi nạo vét bùn thải từ các cống rãnh, chở về phơi khô để tiến hành chế thử nhưng không khử được mùi hôi thối, sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu, đã vậy còn gây ô nhiễm nặng hơn.

Ông tâm sự: “Từ những thất bại trên tôi nhận thấy vai trò của khoa học kỹ thuật trong sản xuất là rất quan trọng. Được sự giúp đỡ của các kỹ sư Viện Khoa học nông nghiệp tôi đã nghiên cứu và sản xuất thành công phân bón vi sinh SC999 tốt cho cây trồng và môi sinh”. Sản phẩm của gia đình ông đã được Chi cục Đo lường chất lượng Hà Tây (cũ), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm nghiệm, công nhận và cấp giấy phép cho lưu hành trên thị trường.

Đến năm 1997, ông đã thế chấp ngôi nhà, vay tiền đầu tư mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được do không có thương hiệu trên thị trường đã khiến ông đứng trước nguy cơ phá sản. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, ông kể: “Hầu như ngày nào tôi cũng đi quảng cáo thương hiệu, đạp xe mang phân ký gửi vào các đại lý và lội đồng với bà con nông dân để tìm hiểu chất đất của từng vùng mà chế biến phân cho hợp lý”.

Tấm lòng tâm huyết của ông với quê hương đã được đền đáp, xưởng sản xuất của ông ngày càng phát triển, ý tưởng biến chất thải thành phân vi sinh đã góp phần cải thiện môi trường sống làng Dương Liễu, cải thiện môi trường đồng ruộng.

Mỗi năm, ông cung ứng ra thị trường được 1.500 tấn phân hữu cơ với hai sản phẩm chính là SC999 Trường Sinh và hữu cơ tổng hợp OGANIC cùng với nhiều loại phân NPK đã được bà con ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La… tin dùng.

Phải có cái tâm

Theo ước tính, mỗi năm làng nghề Dương Liễu thải ra khoảng 400.000 tấn chất thải, đây cũng chính là một trong những nguồn thải gây ô nhiễm cho hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều người.

Hiểu được điều đó, ông Sinh nói: “Tôi làm không phải vì tiền, mà vì muốn cải thiện môi trường, bởi công việc tôi đang làm không chỉ giúp ích cho tôi, mà còn giúp cho cả cộng đồng. Đây chính là niềm động viên khích lệ tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại”. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, xưởng sản xuất của gia đình ông đã tạo được hàng chục việc làm thường xuyên cho người lao động với thu nhập từ 1.500.000 - 2.000.000đồng/tháng.

Tuy việc làm của ông mang tính chất vì cộng đồng cao, nhưng chưa được chính quyền quan tâm, ủng hộ nhiều, chưa ưu tiên cho ông thuê đất lâu dài, mở rộng mặt bằng nhà xưởng. Hiện nay, xưởng sản xuất của ông cũng chỉ rộng chừng 500m2, với diện tích này thì ông chỉ thu gom, xử lý được 10% chất thải của làng, bởi vì việc này đòi hỏi phải có mặt bằng rộng để tập kết chất thải đưa vào xử lý, sản xuất. Cùng với đó, thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, cải tạo môi trường đối với ông là rất khó khăn.

Nói về những việc làm sắp tới, ông Sinh cho chúng tôi biết: “Vào vụ làm miến dong năm nay của làng, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã thu gom tại nhà người làm nghề những phế phẩm là xơ dong riềng, vỏ sắn… Việc này sẽ giúp tôi tận thu được 60 - 70% lượng chất thải người dân thải trực tiếp ra môi trường”. Ông cũng đang có ý định xử lý nước thải ở đây thành nước tưới cho cây trồng.

Việc làm của ông Nguyễn Phi Sinh cũng là một hướng đi để giải quyết tận gốc ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Những sản phẩm phân hữu cơ được làm ra từ chất thải sẽ góp phần cải tạo đất canh tác, hạn chế sự bạc mầu của đất do sử dụng nhiều phân hóa học. Để sự nghiệp bảo vệ môi trường có hiệu quả, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, để khuyến khích nhiều người tham gia bảo vệ và cải tạo môi trường.                 

 Thanh Tùng