Bia bọt và bia miệng

ANTĐ - Một trà, một rượu, một bia. Trong ba thứ ấy ông “tia” thứ nào?

- Tất nhiên là trà rồi. Dân dã, truyền thống, rẻ tiền lại không bao giờ quá đà, say xỉn. Vừa mất tiền, vừa mất nhân cách, có khi mất mạng.

- Đấy là triết lý cổ hủ, lạc hậu. Theo một nghiên cứu vừa mới công bố, lượng tiêu thụ bia tăng cùng với mức độ hạnh phúc của xã hội. Chỉ số tin cậy nói lên sức khỏe của một nền kinh tế là lượng bia tiêu thụ.

- Đo sức khỏe theo chuẩn lượng vại bia, lon bia, chai bia, két bia? Như vậy càng “hai, ba dô” càng chứng tỏ “đẳng cấp” đàn ông, chứng tỏ hạnh phúc tràn trề? 

- Đúng một nửa. Trong khủng hoảng toàn cầu, nợ công è cổ, dân châu Á đã vượt qua Mỹ và châu Âu về sức uống bia đạt kỷ lục 67 tỷ lít, so với 57 tỷ và 51 tỷ lít.

- Vậy nước nào ở châu Á được xếp đầu bảng tiêu thụ bia? 

- Tất nhiên là nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ người, nhập khẩu bia nhiều nhất. Chưa kể mỗi tỉnh có tới 15 nhà máy bia, cả nước có hơn 500 nhà máy.

- Nước mình đâu có thua kém gì về nhà máy, quán bia và kỷ lục “nốc bia” suốt ngày dài tới đêm khuya.

- Đúng thế! Năm 2011, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về uống bia với 2,6 tỷ lít. Nước ta còn đứng trong top 25 trên thế giới về tiêu thụ bia, đứng thứ 4 về tốc độ tiêu thụ gia tăng.

- Tự hào, kiêu hãnh cái nỗi gì! Ta ở trong cái rốn của vùng trũng khu vực, thì đương nhiên bia… chảy vào chỗ trũng. Tôi lo rằng số lượng tiêu thụ bia tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông, với bất hạnh và tệ nạn xã hội.

- Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia bọt vẫn còn… sủi tăm. Đã động đến bia rượu mà giữ được chừng mực, nhân phẩm là cực khó.

- Đời người ta có ba thứ bia: bia bọt, bia miệng, bia đá. Không thể tránh được bia bọt và bia đá, thì cố mà giữ đừng để người đời dựng “bia miệng”.