Bị viêm gan B, có nên kết hôn?

ANTĐ - Hỏi: Tôi năm nay 32 tuổi. Gần đây đi xét nghiệm máu tôi phát hiện mình bị nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên tôi lại sắp lập gia đình. Tôi lo lắng có thể lây viêm gan B sang vợ mình và các con. Xin hỏi bây giờ tôi phải làm gì?

Trả lời: Virus viêm gan B có trong máu và dịch tiết của cơ thể người bị nhiễm như nước bọt, quan hệ tình dục. Vì vậy khi hôn nhau cũng có khả năng lây nhiễm. Với quan hệ tình dục, biện pháp an toàn để phòng ngừa là dùng bao cao su… Vời trường hợp của bạn, cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Bạn gái bạn cũng nên đi xét nghiệm máu xem cô ấy có bị nhiễm virus viêm gan B không. Nếu bạn gái bạn có kết quả âm tính, được chủng ngừa theo phác đồ chuẩn (0,1,6) thì 1 tháng sau khi tiêm liều thứ ba kháng thể sẽ đạt yêu cầu bảo vệ trong 95-97% trường hợp. Trường hợp cần tạo miễn dịch bảo vệ sớm có thể chọn phác đồ nhanh trong 2 tháng nhưng hiệu quả bảo vệ có thể không lâu như phác đồ chuẩn. 

Sau 1 tháng kể từ khi tiêm đủ mũi 3 viêm gan B, cơ thể bạn gái bạn đã có kháng thể, bạn gái bạn có thể có thai và cháu bé sinh ra khỏe mạnh không sợ bị nhiễm viêm gan B do mẹ truyền cho con khi mang thai, với điều kiện cơ thể bạn gái bạn đáp ứng tốt với vắc-xin viêm gan B (sau 1 tháng tiêm phòng viêm gan B đủ 3 mũi, cơ thể có kháng thể).

Trong trường hợp bạn gái bạn cũng bị nhiễm virus viêm gan B thì khoảng 60% số trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B không mắc căn bệnh này, và không phải đứa trẻ nào mang mầm bệnh cũng bị bệnh suốt đời. Trong quá trình mang thai, vợ bạn không nên dùng thuốc điều trị viêm gan B (kể cả những thuốc bổ gan) vì thuốc có ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, thai nhi và trong khi sinh đẻ. Lúc này, vợ bạn cần bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, giảm thiểu lao động… để tăng khả năng chống lại bệnh tật. Ngay trong 24 giờ đầu sau sinh, vợ chồng bạn hãy cho bé tiêm vắc-xin viêm gan B. Đây là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con (phòng ngừa được 80-95%).