Bị tước quyền làm mẹ cần nhờ chính quyền can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Chúng tôi cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi con chung được 1 tuổi thì tôi bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Tôi ra đi tay trắng, không có gì, kể cả đứa bé và giấy chứng sinh chứng minh mối quan hệ của mẹ con tôi. Xin hãy giúp tôi làm sao để có thể đòi lại được con mình? Ca Thi - Tiền Giang

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời: 

Bị tước quyền làm mẹ cần nhờ chính quyền can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn –  VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội, Điện thoại: 84- (0904975368 - 0964713208)

Bạn và chồng bạn cưới nhau nhưng lại không thực hiện đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 9 - Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) 2014 thì việc kết hôn phải đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo luật định. Nếu không thì không có giá trị pháp lý. Bạn cung cấp thông tin về việc bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà chưa rõ ràng. Như, bạn không mang theo con hay gia đình chồng bạn không cho bạn mang theo con? Hiện tại cháu đã bao tuổi? Bạn đã thực hiện khai sinh cho con chưa…? Đây là những yếu tố để xác định quyền và nghĩa vụ của bạn đối với con, quyền được chăm sóc con. Chúng tôi xin nêu ra các hướng giải quyết như sau.

Nếu con bạn đã được thực hiện khai sinh thì khi bạn ra khỏi nhà chồng không có giấy chứng sinh thì đã có giấy khai sinh để chứng minh bạn là mẹ của cháu bé. Trường hợp bạn không có giấy chứng sinh và khi con bạn chưa thực hiện khai sinh thì bạn có nhiều cách để chứng minh là mẹ của cháu như: Đến bệnh viện nơi bạn sinh để xin xác nhận hoặc xin sao chụp lại hồ sơ liên quan đến việc sinh con; hoặc sự xác nhận của những người xung quanh gia đình bạn mà không cần phải xác định ADN. Trường hợp con bạn dưới 36 tháng tuổi thì căn cứ khoản 3, Điều 81 - Luật HNGĐ: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Giả sử sự việc của bạn mới xảy ra và con bạn còn nhỏ như nêu trên mà gia đình chồng bạn không cho bạn chăm sóc, nuôi con thì bạn đến chính quyền địa phương trình báo sự việc và nhờ chính quyền hoặc các tổ chức đoàn thể như: Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em xã, phường nơi cư trú; Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên; cấp ủy chi bộ nơi cư trú can thiệp. Khi bạn đã yêu cầu chính quyền, đoàn thể địa phương can thiệp không được thì bạn thực hiện khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bạn cư trú yêu cầu giải quyết để bạn được chăm sóc, nuôi con.

Bị tước quyền làm mẹ cần nhờ chính quyền can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa ảnh 2Làm mẹ là thiên chức và quyền thiêng liêng đối với mỗi phụ nữ. Ảnh minh họa

Trường hợp sự việc xảy ra đã lâu và con bạn đã lớn, nay bạn muốn nhận lại con thì bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 89 - Luật HNGĐ về xác định con. Trong đó, khoản 1 của điều luật này quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có quyền yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.