Bị tiêu chảy có nên uống thuốc cầm tiêu chảy?

ANTĐ - Hỏi: Trong những ngày Tết do ăn uống không điều độ nên tôi bị tiêu chảy, tôi đã uống nhiều thuốc cầm tiêu chảy nhưng vẫn không khỏi. Xin bác sĩ cho biết tôi phải uống thuốc gì?

Trả lời: Vào dịp Tết, các gia đình thường chế biến sẵn thức ăn dự trữ và dùng trong vài ngày. Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong dịp Tết. Sau khi ăn từ một giờ trở đi, người bệnh sẽ có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy, có thể kèm theo sốt, môi khô, lưỡi bẩn. Nếu bị ngộ độc thức ăn, bạn hãy tìm cách nôn ra hết sô thực phẩm đó. Cần uống oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như viên rửa, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.

Biện pháp phòng bệnh là trong ngày Tết luôn phải thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm. Xử lý phân, chất thải đảm bảo vệ sinh chung. Tránh dùng những thực phẩm khó tiêu như thức ăn rán quá nhiều dầu mỡ, không lạm dụng rượu cà phê, thuốc lá.

Khi bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn tùy tình trạng có cách xử lý phù hợp. Nếu chỉ nôn ít và tiêu chảy dưới 6 lần trong ngày, có thể bù dịch bằng oresol, uống chậm từng thìa, ăn những thức ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Không uống nước có gas vì thức uống này chứa nhiều đường sẽ làm nặng thêm tình trạng mất nước. Quan trọng trong điều trị tiêu chảy là bồi phụ muối và nước. Bệnh nhân mất nước nặng hay những bệnh nhân nôn nhiều, không uống được phải đến cơ sở y tế để truyền dịch. Một số thuốc kháng sinh thường được dùng trong tiêu chảy cấp do vi khuẩn là: co-trimoxazol (còn có tên khác là trimazol, biseptol, bactrim). Song có một nguyên tắc là bạn không nên tự ý dùng thuốc mà phải được sự kê đơn của bác sĩ.