Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Phải tôn trọng môi trường sống, cần thấy xấu hổ khi để phố, phường ngập rác

ANTD.VN - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, vẫn còn tình trạng một số nơi, tuyến đường, tuyến phố, cứ vào thứ Bảy, Chủ nhật thì rác thải lại ùn ứ, chất đầy bên đường, cả ở nội thành và ngoại thành… khiến người dân, khách du lịch bức xúc.

Toàn cảnh hội nghị giao ban trực tuyến sáng 24-9 ở đầu cầu Thành phố

Sáng nay, 24-9, Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội đã giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2018.

Hội nghị giao ban tập trung vào 2 nội dung quan trọng là kết quả công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong 1 năm qua.

Khắc phục ngay tình trạng rác thải ùn ứ, tồn đọng dài ngày

Về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn xả thải ra 26,5 tấn chất thải rắn, mỗi năm xả 10.400m3 chất thải lỏng, trong khi không ít cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải xuống cấp, công nghệ lạc hậu.

Hay trong lĩnh vực giao thông vận tải (GVTV), theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, do đa số xe chở vật liệu phế thải gây ô nhiễm môi trường hoạt động về đêm, trong khi lực lượng thanh tra mỏng, nên việc kiểm soát còn hạn chế. Tương tự, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ, các dòng sông trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng do tình trạng xả thải vào sông hồ chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo về công tác xử lý chất thải y tế

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tình hình đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, xử lý kịp thời nhiều vấn đề phát sinh.

Dù vậy, tồn tại hạn chế cũng còn nhiều. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ rõ, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, hành vi xả thải rác không đúng nơi quy định còn phổ biến. Rác thải ở nhiều nơi vẫn tồn đọng dài ngày chưa được thu gom kịp thời. Đặc biệt, nhiều nơi cứ thứ 7, Chủ nhật thì rác thải lại ùn ứ, chất đầy bên đường, không chỉ ở nội thành mà cả ở ngoại thành…

Theo Bí thư Thành ủy, đây là tồn tại cần phải được giải quyết ngay. “Ngày nghỉ là ngày người dân nghỉ ngơi, ra đường thì lại thấy rác thải chất đầy bên đường thì không được. Chúng ta phải tôn trọng môi trường sống chung. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi để tuyến phố của mình, phường mình, thành phố mình bẩn như vậy. Do vậy, cần phải đi kiểm tra, những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu thì phải xử lý” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.

Cùng đó, các dự án về môi trường còn chậm tiến độ. Việc xử lý ô nhiễm các dòng sông rất khó khăn. Việc di dời các cơ sở ô nhiễm trong nội đô cũng còn vướng, vẫn còn tới 13 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng phải di dời và tới đây phải thực hiện quyết liệt hơn. 

Về giải pháp, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định, coi trọng hơn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phân công phân nhiệm kiểm tra thường xuyên và tăng cường xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

HĐND các cấp phải tăng cường công tác giám sát. Với một số dự án lớn liên quan đến môi trường thì cần phải cân đối nguồn vốn đầu tư công để triển khai.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát hiện vi phạm trật tự xây dựng ngay từ những viên gạch đầu tiên

Liên quan đến nội dung quy hoạch, quản lý xây dựng và tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch 125 của UBND TP, nhìn chung công tác này đã có sự chuyển biến tích cực. Bằng chứng rõ nhất là số công trình vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm mạnh.

Để đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị UBND TP khẩn trương phê duyệt, bàn giao các quy hoạch và các quận huyện để thực hiện. Đồng thời, cần đẩy nhanh xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc để làm công cụ quản lý lĩnh vực này.

Vấn đề nữa là phải sớm triển khai quy hoạch cải tạo các chung cư cũ. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đây là lĩnh vực rất khó, vướng nhiều cơ chế chính sách, thế nên muốn thực hiện được cần phải mạnh dạn đề xuất, cần thiết thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý, cần đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư xây dựng theo giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng.

Phải phát hiện sớm các vi phạm để xử lý kịp thời ngay từ những “viên gạch đầu tiên”, không để thành “sự đã rồi” thì xử lý rất khó khăn, thậm chí để lại gánh nặng cho nhiệm kỳ sau. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cấp xã phường phải rất sâu sát, vào cuộc quyết liệt để nắm tình hình.

Sớm xóa sổ “bếp than tổ ong” ở các chung cư trong nội thành

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố triển khai quyết liệt hơn chương trình hạn chế tiến tới "xóa sổ",  cấm sử dụng than tổ ong trong các khu chung cư và tăng cường kiểm tra đề án này. Việc cấm bếp than tổ ong vừa góp phần phòng chống cháy nổ vừa đảm bảo môi trường sống cho chính các cư dân.

“Đề án này các đồng chí cần sớm trình, phê duyệt để đưa ra thời điểm dừng sử dụng than tổ ong trên toàn thành phố, trước hết ở các quận nội thành” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, từ đầu năm đến nay, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tại quận Thanh Xuân đã giảm được 70% tình trạng người dân trong các khu chung cư sử dụng bếp than tổ ong.