Bí thư Thành ủy Hà Nội: Phải đưa việc tuân thủ pháp luật trở thành văn hóa

ANTD.VN - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị, phải có mô hình, giải pháp nhằm đưa việc tuân thủ pháp luật của dân dần dần trở thành văn hóa, nề nếp.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Hội Luật gia TP Hà Nội

Sáng nay, 6-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Hội Luật gia thành phố về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội trong năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, Hội hiện có 4.500 hội viên, là những luật sư, chuyên gia pháp luật có phẩm chất, năng lực kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp, đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội...

4 năm qua, Hội đã tham vấn, góp ý, phản biện gần 100 dự thảo luật, pháp lệnh; tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến, thẩm định và rà soát gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và các sở, ngành thành phố; tư vấn pháp luật phổ thông 2.363 vụ việc; tư vấn pháp luật miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo, trẻ em được 1.500 vụ việc…

Ghi nhận những kết quả mà Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã đạt được thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, Hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động của trung ương, thành phố, đặc biệt là các lĩnh vực tư vấn, phản biện, góp ý vào xây dựng các quy định pháp luật.

Trong đó, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, năm qua Hà Nội có đến 354 đề án tư vấn phản biện, một con số rất lớn. “Tăng cường công tác phản biện là hướng đi rất đúng để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, văn minh” – ông Hoàng Trung Hải nói.

“Hay công tác hòa giải, tư vấn pháp luật miễn phí của Hội Luật gia Thành phố cũng có tác dụng rất lớn, không chỉ hỗ trợ người dân nghèo không có tiền chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý mà còn góp thêm tiếng nói khách quan để giúp người dân tin tưởng hơn. Qua đó, góp phần giảm bớt đơn thư, các vụ khiếu nại tố cáo trên địa bàn” – Bí thư Thành ủy phân tích thêm.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội nêu rõ, trong quá trình phát triển, lãnh đạo thành phố luôn xác định phải lấy sự đồng thuận ở các cấp, sự đồng thuận trong dân cư là mục tiêu chính, phải giữ được môi trường bình yên để phát triển. Do đó, Hội Luật gia cần chung tay với thành phố để góp phần làm tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị Hội Luật gia Thành phố cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác của thành phố; trở thành nòng cốt trong hoạt động tư vấn pháp lý cho người dân Thủ đô cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố, nhất là trong việc đưa Luật Thủ đô, các chính sách pháp luật khác đi vào đời sống.

Về phía chính quyền Thành phố, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND TP sẽ tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Hội Luật gia Thành phố theo hướng thực hiện các đề án, nhiệm vụ thiết thực, hiệu quả; phấn đấu trong năm 2018 này phải giải quyết, khắc phục hết được 118 vụ việc phức tạp còn tồn đọng trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy đề nghị, trước mắt Hội Luật gia Thành phố có thể phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố để xây dựng các mô hình điểm về triển khai các quy định pháp luật trong thực tiễn đạt hiệu lực, hiệu quả. Các mô hình điểm này có thể bắt đầu áp dụng với các hoạt động có tính phổ biến trong cộng đồng, chẳng hạn làm sao để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, hay trong các chợ…

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, chúng ta giáo dục pháp luật rất nhiều nhưng tính thực thi pháp luật trong thực tiễn còn rất hạn chế, ngay trong bộ máy chính quyền khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều khi vẫn nặng hình thức.

Bí thư Thành ủy dẫn ví dụ: “Cùng là người Việt mình nhưng sao người Việt ra nước ngoài thì chấp hành luật lệ giao thông rất nghiêm túc, đèn đỏ dù đường không có ai cũng không vượt, về trong nước thì lại vi phạm. Phải chăng ở nước ngoài họ phạt nặng nên dân không dám vi phạm còn trong nước hệ thống kiểm soát thực thi pháp luật còn lỏng, rồi tỷ lệ phạt nguội vi phạm giao thông rất thấp nên không đủ sức dăn đe?”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẵn sàng đặt hàng để Hội Luật gia Thành phố nghiên cứu các mô hình điểm, trong đó có đánh giá cả về yếu tố tâm lý của người dân lẫn giải pháp về pháp luật, nhằm đưa việc tuân thủ pháp luật trong nhân dân dần dần phải trở thành văn hóa, nề nếp.