Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cần điều tiết thêm nguồn lực cho các huyện sắp lên quận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về phương án phân bổ ngân sách năm 2022 của Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, vẫn cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế…
Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Sáng nay, 30-11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ sáu, cũng là hội nghị thường kỳ cuối cùng của năm 2021.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 6 nội dung rất quan trọng về: tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công của thành phố; 01 dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; 02 dự thảo Chỉ thị về công tác quy hoạch, xây dựng và công tác quản lý đất đai, khoáng sản; dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội.

Lưu ý một số nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, năm 2021, thành phố đang phải gánh chịu rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19. Vì thế, cần tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2021 gắn với công tác phòng chống dịch Covid 19 của thành phố.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Đối với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị nâng dần tỷ trọng thu nội địa, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hợp lý; đồng thời tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương cho phép áp dụng trên địa bàn Thủ đô…

“Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19, và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ban hành, nhất là các chế độ chi cho công tác an sinh xã hội của thành phố” – Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.

Về định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022, Bí thư Thành ủy cho rằng quy định tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách cần đảm bảo tính hiệu quả, tính công bằng, tính hợp lý giữa các quận/huyện/thị xã.

Đồng thời, cũng cần tạo thêm nguồn lực cần thiết để các huyện sớm phát triển lên quận theo kế hoạch đề ra và hỗ trợ khó khăn cho một số huyện, thị xã có thêm nguồn lực để khơi thông và phát triển kinh tế.

Với dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là 1 trong 2 Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa 17 của Thành ủy.

Do vậy, cần bàn kỹ các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài để có thể khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội…

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy, là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội với 2 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay.