Nhất thể hóa - Con đường phải đi để tinh gọn bộ máy (1)

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND - Cú hích tạo sự bứt phá

ANTD.VN - LTS: Thực hiện việc tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng, trong đó có chủ trương “nhất thể hóa” chức danh người đứng đầu một số cơ quan của Đảng và Nhà nước. Thực tế, thí điểm chủ trương này ở một số địa phương vừa qua cho thấy, đây là con đường phải đi, dù không dễ dàng, để từng bước tinh gọn bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND - Cú hích tạo sự bứt phá ảnh 1Xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì được tô đẹp bởi những “con đường hoa” trải dài

Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh cơ quan của Đảng và Nhà nước với những “đầu bài” chi tiết đã được đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Đây không phải lần đầu tiên “nhất thể hóa” được đề cập mà chủ trương này đã được nói tới và thí điểm từ nhiều năm trước. Trong số những địa phương đi đầu trong công tác này, Hà Nội, Quảng Ninh… được nhắc tới như những điểm sáng. 

Tại Hà Nội, Đảng bộ thành phố đã thí điểm thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở một số địa bàn đủ điều kiện từ nhiều năm trước. Ngày nay, “nhất thể hóa” được nói tới nhiều và dần trở nên quen thuộc nhưng ở giai đoạn trước, khi nhắc tới cụm từ này, người ta nghĩ ngay tới yêu cầu đổi mới tư duy mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Lẽ đương nhiên, cái gì mới đều tạo ra những băn khoăn nhất định. Với mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, khi chưa làm, dư luận không tránh khỏi lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay lạm dụng quyền lực. Song, nhìn lại việc Hà Nội thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở một số xã, phường từ nhiều năm nay, có thể ghi nhận những thành công bước đầu.

Từ “điểm nóng” đến xã điển hình

Năm 2013, xã Bình Yên là một trong những “điểm nóng” phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không chỉ của huyện Thạch Thất mà của cả TP Hà Nội. Những vụ khiếu kiện đông người, phản đối chính sách giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai thường xuyên diễn ra, thành phố phải tổ chức nhiều đoàn về cơ sở để giải quyết, ổn định tình hình. 

Thế nhưng, đến nay, sau gần 5 năm, xã Bình Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng luôn được giữ vững. Các vụ việc khiếu kiện đông người không còn; khiếu kiện vượt cấp cũng giảm gần hết. Bằng chứng rõ nét là 3 năm gần nhất, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Yên đều được huyện công nhận xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để có thành công đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành và nhân dân xã Bình Yên. Song một trong những nguyên nhân quan trọng được kể đến chính là việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở địa phương, trong đó có việc thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Yên - một mô hình còn rất mới cách đây 4 năm. 

Tháng 10-2014, đồng chí Lê Văn Mão, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Bình Yên được Huyện ủy Thạch Thất phân công nhiệm vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Văn Mão được huyện giao phải sớm ổn định tình hình; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp từ cơ sở, nhất là các vướng mắc trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng. Lúc đó, xã Bình Yên có rất nhiều dự án lớn cần thu hồi đất nên nếu giải quyết không tốt, tình hình của Bình Yên sẽ khó mà... yên bình được.

“Với tư cách là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, tôi trực tiếp tiếp công dân để xem xét, giải quyết tất cả những vụ việc phức tạp theo thẩm quyền. Điển hình như vụ ông Hoàng Anh T., khi nắm được sự việc, tôi đã tổ chức ngay cuộc họp giữa Đảng ủy xã với UBND xã, mời ông Hoàng Anh T. tham dự để phân tích rõ chủ trương, chính sách bồi thường của Nhà nước, quy định pháp luật đất đai... Sau đó, tôi cùng Thanh tra thành phố trực tiếp tới nhà ông T. ở Hà Đông để làm việc, tiếp tục tuyên truyền, vận động và vụ việc sau đó đã được giải quyết…” - đồng chí Lê Văn Mão kể lại.

Vậy sự khác biệt về hiệu quả công việc khi nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy với Chủ tịch UBND xã trong thực thi nhiệm vụ chính trị ở địa phương so với trước như thế nào, cụ thể với trường hợp của xã Bình Yên? “Trong những cuộc tiếp, đối thoại với dân, nếu Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã trực tiếp có mặt thì hiệu quả hơn hẳn. Khi xảy việc, người dân thường có tâm lý tới UBND xã, nếu chưa giải quyết được thì mới tiếp tục có đơn thư, kiến nghị đến Bí thư. Nay Bí thư cũng là Chủ tịch UBND xã trả lời thì người dân sẽ tin tưởng hơn, giải quyết nhanh hơn” - đồng chí Lê Văn Mão phân tích. 

“Đường hoa” ở xã ngoại thành

So với Bình Yên, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) có thời gian thí điểm nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND sớm hơn. Tháng 9-2009, khi đang là Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp, đồng chí Trương Đức Long được phân công kiêm Bí thư Đảng ủy xã và đảm nhiệm đồng thời 2 “vai” này suốt 7 năm, cho đến tháng 6-2016, khi ông hoàn thành 2 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã. 

Tiếp chúng tôi tại địa phương - vùng đất ven đô đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp Trương Đức Long chia sẻ, cái lợi đầu tiên khi nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, đó là tinh giản được biên chế, tiết kiệm ngân sách. Thứ hai là giảm được các cuộc họp bởi khi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì nhiều cuộc họp ở địa phương có thể tiến hành cùng lúc chứ không cần triển khai riêng rẽ. Điểm quan trọng hơn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã sẽ tạo ra sự thống nhất từ khâu xây dựng, ban hành Nghị quyết đến chỉ đạo triển khai thực tế. Mọi công việc sẽ được giải quyết nhanh gọn, thông suốt hơn…

Trước năm 2009 - thời điểm chưa thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, Tứ Hiệp vẫn là một xã thuần nông. Từ năm 2010, xã đã có bước phát triển rất mạnh. Đến 2013, Tứ Hiệp đã trở thành xã nông thôn mới và từ đó đến nay luôn là xã đi đầu của huyện Thanh Trì trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội. 

Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp Trương Đức Long kể, sau khi Tứ Hiệp được công nhận là xã nông thôn mới, bộ mặt thôn xóm vẫn chưa thực sự đổi mới. Với vai trò Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã khi đó, ông luôn đau đáu suy nghĩ phải làm sao thay đổi được thực tế này. “Tôi đã phát động phong trào trồng hoa, cây xanh ở tất cả đường làng, ngõ xóm trong xã. Trước hết, tôi cùng các đồng chí trong Đảng ủy xây dựng kế hoạch và ngay sau đó, với vai trò là Chủ tịch UBND xã, tôi trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đây  chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy công việc được triển khai thuận lợi hơn nhiều với mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Ở một số nơi, dù việc to hay nhỏ đều phải trình, rồi bàn thảo ghê lắm, thậm chí nếu giữa Bí thư và Chủ tịch “vênh nhau” thì càng khó làm” - đồng chí Trương Đức Long chia sẻ.

Dù vậy, không phải Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã thì muốn làm gì cũng được. Lạm quyền sẽ dẫn đến thất bại! “Trước khi thực hiện một việc gì, chúng tôi đều giao các chi bộ họp đảng viên, phổ biến chính sách, bàn cách làm. Nhờ đó, nhân dân rất đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Vừa rồi, xã đã huy động được hàng nghìn ngày công do người dân tự nguyện tham gia trồng cây xanh, hoa ở các tuyến đường. Từ một xã có môi trường ô nhiễm, Tứ Hiệp đã lột xác với khung cảnh xanh sạch đẹp, thôn xóm bốn mùa nở hoa…” - đồng chí Trương Đức Long nói.

“Thực hiện thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện”.

(Trích Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”)

(Còn nữa)