Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, Hà Tĩnh: "Nước Anh không phải là miền đất hứa"

ANTD.VN -Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 29/10 về vụ 39 người chết trong container ở Anh, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh), Bí thư Huyện uỷ huyện Kỳ Anh cho biết, tại Hà Tĩnh còn một lượng người đi xuất khẩu lao động theo con đường không chính thức nhưng rất khó kiểm soát.

Cũng theo Đại biểu Trần Đình Gia, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều lao động đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính thức – đi qua các Công ty xuất khẩu lao động và có sự bảo đảm.

Tuy nhiên còn một lượng người đi theo con đường không chính thức, thường từ người đi trước ở lại nước sở tại sau đó đưa người nhà, người thân sang bằng con đường du lịch, thăm thân… rồi tìm cách ở lại.

Đại biểu Trần Đình Gia nhận định, “đây là vấn đề rất khó kiểm soát vì những người đi này không phải từ trực tiếp Việt Nam sang, mà họ từ những nước thứ ba. Có thể từ Việt Nam sang ở Đức, ở Pháp rồi từ các nước đó mới đi. Địa phương không quản lý được, thời gian họ đi sang nước ngoài cũng không nắm được, có khi họ sang Pháp, Đức một hai tháng rồi họ mới đi, hoặc có những người ở đó lâu rồi mới chuyển … nên việc quản lý những đối tượng này rất khó”.

Đại biểu Trần Đình Gia - đoàn ĐBQH Hà Tĩnh

Bác bỏ thông tin cho rằng những người đi lao động xuất khẩu thường rơi vào gia đình nghèo khó, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, một số người đã sang lao động ở Pháp, ở Đức nên có điều kiện kinh tế khá giả. Họ muốn sang Anh để thay đổi cuộc sống hiện tại và có thu nhập cao hơn nữa.

"Họ nghe theo tuyên truyền của những người khác, thấy nước Anh như “miền đất hứa” nên kéo nhau đi. Do đó, việc quản lý đối tượng này rất khó, địa phương không nắm được thông tin họ xuất cảnh vào thời gian nào, địa điểm nào…”, đại biểu Trần Đình Gia phân tích.

Do đó, để quản lý, hạn chế tối đa, mức thấp nhất những rủi ro xảy ra cho những người đi chui bất chấp rủi ro, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được thực tế cuộc sống sang bên đó như thế nào.

“Sang châu Âu rất cơ cực, nhất là những người làm việc phi pháp. Họ sẽ phải sống chui lủi. Không ít người bị chủ sử dụng lao động lợi dụng, bóc lột, cuộc sống bị lệ thuộc hoàn toàn vào người khác. Một số khác làm việc trong các trang trại vi phạm pháp luật, chủ sử dụng lao động quản chặt, không cho ra ngoài do e sợ bị lộ cơ sở sản xuất, đặc biệt họ cũng không cho người lao động được phép liên lạc với gia đình nên cuộc sống của những người này như đi tù”.

Về thông tin 1 trường hợp lao động nữ tại địa phương nằm trong số 39 người chết trong container tại Anh, đại biểu Gia cho biết “hiện chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng”, dù gia đình đã “xác nhận”.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng đã nghe về hiện tượng người Việt làm việc ở Đức, Pháp các nước châu Âu rồi trốn sang Anh làm các công việc vi phạm pháp luật. Ngay tại huyện Kỳ Anh có những xã có vài ba nghìn người ở nước ngoài. Những người đi theo con đường chính thống thường ở các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…) còn tại châu Âu thì số lượng không nhiều.

"Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền thật tốt từ chính những người đã từng làm việc ở nước ngoài về thì người dân mới có thông tin đầy đủ, toàn diện về vấn đề này" - Đại biểu Gia nhấn mạnh.