Bí thư, Chủ tịch quận/huyện phải đặt lịch đi kiểm tra phòng cháy, xử lý nghiêm vi phạm

ANTD.VN -Nhấn mạnh đến tình trạng, sự vụ cháy nổ xảy ra tại các chung cư cao tầng đang là vấn đề bức xúc xã hội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận/huyện/thị phải thay đổi, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm trong vấn đề này…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo tại hội nghị

Sáng nay, 3-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng (PCTN) 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2018.

Trong quý I/2018 vừa qua, các cơ quan thuộc khối nội chính của thành phố tiếp tục duy trì và giữ vững ổn định an ninh quốc gia, không để xảy ra các hoạt động gây rối an ninh chính trị; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Tương tự, công tác PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã có nhiều chuyển biến trên một số lĩnh vực.

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Toàn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, 3 tháng vừa qua, CATP Hà Nội đã điều tra khám phá 752 vụ phạm pháp hình sự, 1.155 đối tượng, đạt 80,2%; điều tra khám phá 24 vụ trọng án, 40 đối tượng, đạt 96%.

Cùng đó, triệt phá 303 ổ nhóm tội phạm hình sự, bắt 789 đối tượng; triệt phá 274 ổ nhóm tệ nạn xã hội, bắt 1.734 đối tượng; không để hình thành, phát sinh các tụ điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội… Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng.

Cũng trong 3 tháng vừa qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng sang cơ quan điều tra. Toàn lực lượng CATP Hà Nội đã thụ lý điều tra 25 vụ, 64 bị can…

Dù vậy, qua thảo luận, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan còn hình thức. Hay vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hẻ, lòng đường để kinh doanh trái phép. Đặc biệt, nguy cơ cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, người dân sống ở các chung cư cao tầng có nhiều bất an…

3 tháng vừa qua, Hà Nội vẫn xảy ra trên 200 vụ cháy, làm chết 2 người

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả mà toàn khối nội chính của thành phố đã đạt được 3 tháng vừa qua, giúp tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được giữ vững, tội phạm được kéo giảm.

Tuy vậy, theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, các tồn tại, hạn chế trong công tác nội chính, PCTN của thành phố thời gian qua cũng còn không ít. 9 tháng còn lại cuối năm 2018, dự báo tình hình còn rất nhiều khó khăn thách thức. Điều này đòi hỏi công tác nội chính, PCTN của thành phố phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cấp các ngành.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các sở ban ngành liên quan trong công tác nội chính của thành phố từ nay đến cuối năm phải tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, “mục tiêu kiên quyết là phải đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, TTATXT trên địa bàn, không được để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn Thủ đô… Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch”.

Ngoài ra, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa và tổ chức tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện quy định mới của trung ương về công tác cán bộ, công tác kiểm tra. Thực hiện có hiệu quả chương trình 07 của Thành ủy về PCTN….

Riêng về công tác phòng chống cháy nổ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản.

“Quý 1/2018 đã giảm so với cùng kỳ 2017 nhưng toàn thành phố vẫn xảy ra tới 208 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn, 2 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 2 người, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 65 tỷ đồng. Chỉ tính riêng ngày 31-3, Hà Nội xảy ra 4 vụ cháy lớn ở 4 quận, thị. Cho nên việc phòng chống cháy nổ không được phép chủ quan” – bà Hằng nói.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác PCCC. Theo Phó Bí thư, các văn bản chỉ đạo của trung ương, Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội về lĩnh vực này đã rất đầy đủ, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc.

Đặc biệt là phải nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống cháy nổ. “Trong công văn 868 của Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND Thành phố nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý” – Phó Bí thư thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng chống cháy nổ, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng phòng chống cháy nổ, thoát hiểm khi có cháy nổ cho nhân dân. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục.

“Các Quận ủy, huyện ủy, UBND các quận, huyện, thị phải đặt lịch đi kiểm tra, yêu cầu cảnh sát PCCC, công an đi cùng, xử lý nghiêm các sai phạm và có giải pháp cụ thể. UBND phải phân công rõ người, rõ việc. Nếu còn tình trạng kiểm tra, lập biên bản xong rồi để đấy thì chắc chắn còn cháy nổ” – Phó Bí thư Ngô Thị Thanh Hằng nói thêm.