Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 (Bài 2): Cuộc họp cấp ủy lúc 2h sáng và “chiến dịch” di dân khẩn cấp chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều muộn 29-9, ngày đầu tiên hai con ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được gỡ phong tỏa và hàng nghìn công dân đi cách ly được đón về nhà. Chúng tôi đã tới đây để trực tiếp quan sát, lắng nghe nhịp thở mới đang hồi sinh tại nơi mà ít ngày trước đó còn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Thủ đô.

Đến tận lúc này nhìn lại, không nhiều người dám tin ổ dịch với hơn 570 ca Covid-19, 4 ca tử vong lại có thể được kiểm soát, khống chế thành công triệt để chỉ trong hơn một tháng. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy những quyết sách táo bạo, chưa từng có tiền lệ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã mang lại hiệu quả tối đa.

Bí thư Quận ủy Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng thăm hỏi người dân giãn cách tại ký túc xá Đại học FPT

Bí thư Quận ủy Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng thăm hỏi người dân giãn cách tại ký túc xá Đại học FPT

Bí thư Chi bộ là F0, lãnh đạo “nằm vùng” trong tâm dịch

Sau một ngày ngổn ngang công việc “hậu phong tỏa”, tối 29-9, ông Triệu Nguyên Hợp, Bí thư Chi bộ 8 thuộc Đảng bộ phường Thanh Xuân Trung mới có chút thời gian ngồi trò chuyện với chúng tôi ở ngay đầu ngõ 328, trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi.

Ông Triệu Nguyên Hợp là F0, một trong những người dương tính với Covid-19 đợt đầu tiên được đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn vào ngày 25-8. Đến ngày 10-9, ông có kết quả âm tính và được ra viện nhưng do ngõ vẫn bị phong tỏa nên ông cùng nhiều người mới ra viện khác được quận bố trí ở tại Nhà khách Sơn La.

Đến 29-9, khi ổ dịch được dỡ phong tỏa, sau 1 tháng 2 ngày, ông Hợp mới được về nhà. Chỉ kịp quăng chiếc ba lô vào phòng, ông lập tức tới tham gia cuộc họp do Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung chủ trì, diễn ra ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng ở nhà F8 trong ngõ 328 để triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tan họp, ông cùng các lực lượng chức năng tổ chức đón tiếp hàng nghìn cư dân ở 3 ngõ (326, 328, 330 Nguyễn Trãi) từ Thạch Thất trở về.

Nhớ lại quãng thời gian dịch mới bùng phát, ông Hợp còn chưa hết kinh hãi. Ngày 22-8, quận Thanh Xuân thông báo có 2 trường hợp (là mẹ con) ở ngõ 328 Nguyễn Trãi đi tiêm vaccine ở Bệnh viện Hồng Ngọc, khi test thì dương tính với Covid-19. Đây được coi là 2 ca bệnh chỉ điểm tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung.

Hôm sau, lực lượng y tế tiếp tục phát hiện 4 ca dương tính trong một gia đình ở ngõ 328 Nguyễn Trãi. Những ngày tiếp theo, số ca mắc liên tục tăng, có ngày cao điểm lên đến 90 ca… Thời điểm xuất hiện 2 ca bệnh đầu tiên ở ngõ 328 Nguyễn Trãi, TP Hà Nội đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ai cũng biết tính chất phức tạp, lây lan nhanh của đợt dịch thứ tư này nhưng không thể hình dung tốc độ lại khủng khiếp đến vậy.

“Tổ Covid-19 cộng đồng của chúng tôi lúc đầu có 10 người, khi bắt đầu có ca bệnh, theo chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, phường, 3 Tổ Covid-19 cộng đồng của các tổ dân phố (10-11-12) ở 3 ngõ tăng quân số lên 20 người/tổ. Ngay từ ngày 23-8, các thành viên trong tổ đã chia nhau đi dán thông báo, phát tờ rơi khuyến cáo chống dịch đến từng nhà trong ngõ, tuyên truyền thực hiện “5K”, hỗ trợ nhân dân… Bản thân ý thức rõ việc phòng bệnh, đeo đến 2 khẩu trang khi đi tiếp xúc nhân dân nhưng không ngờ chỉ 2 ngày sau, tôi đã có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Những ngày sau đó, Tổ Covid-19 gồm 20 người thì 18 người trở thành F0. Số ca mắc trong 3 con ngõ lên đến hơn 570 người, 4 người đã tử vong, đa phần là người già yếu, có bệnh nền, hết sức đau xót…” - đồng chí Bí thư Chi bộ 8 bồi hồi nhớ lại.

Ngoài đồng chí Triệu Nguyên Hợp, còn một Bí thư Chi bộ khác tại ổ dịch ở Thanh Xuân Trung cũng dương tính với Covid-19. Trong 3 đồng chí Bí thư ở khu dân cư này, có đến 2 người là F0. Trước những diễn biến phức tạp phát sinh, bám sát chỉ đạo của thành phố và Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà, quận Thanh Xuân đã lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực cách ly (ngõ 328 - 330 đường Nguyễn Trãi) do đồng chí Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Đặng Khánh Hòa làm Chỉ huy trưởng, gần như “ăn nằm” tại ổ dịch, túc trực 24/24h để chỉ đạo trực tiếp…

Bí thư Quận ủy Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đến nhà dân trong ngõ 328 Nguyễn Trãi trao tặng các suất quà an sinh

Bí thư Quận ủy Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đến nhà dân trong ngõ 328 Nguyễn Trãi trao tặng các suất quà an sinh

Thâu đêm xây dựng phương án di dời dân

Ngày 29-9, một ngày trọng đại với người dân ở ngõ 326-328-330 Nguyễn Trãi khi ổ dịch này được dỡ phong tỏa và hơn 1.200 cư dân được trở về nhà sau gần 1 tháng “sơ tán”. Từ sáng sớm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã có mặt tại ngõ 328 để trực tiếp chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở đón tiếp người dân về nhà đảm bảo an toàn và triển khai ngay những nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý ở giai đoạn mới.

Chiều cùng ngày, đồng chí Võ Đăng Dũng lại cùng Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà và các đồng chí lãnh đạo đoàn thể của quận trở lại ngõ 328-330 để thăm hỏi, động viên, tặng 700 suất quà tới các hộ gia đình vừa đi cách ly trở về, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong hơn một tháng dịch bùng phát ở phường Thanh Xuân Trung, không dưới 10 lần các đồng chí Bí thư Quận ủy, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận đã lăn lộn bên trong ổ dịch, khảo sát từng ngõ, ngách sâu nhất của các khu nhà để “nằm lòng” tình hình địa bàn trước khi đưa ra những chỉ đạo phòng chống dịch. Khi hơn 1.200 cư dân ở 3 ngõ được đưa đi cách ly phòng dịch tại Thạch Thất, Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức hai đoàn lãnh đạo - một do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy dẫn đầu, một do Bí thư Quận ủy và Chủ tịch UBND quận dẫn đầu - đến thăm bà con tại nơi cách ly để động viên cũng như lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Riêng Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, với vai trò Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 quận, đồng chí đã gần một tháng liên tục ăn nghỉ ngay tại trụ sở UBND quận, không về nhà. “Phần vì khối lượng và áp lực công việc cần giải quyết quá lớn, nhiều cuộc làm việc diễn ra trong đêm. Phần khác vì mình xuống ổ dịch thường xuyên, có lúc cấp tốc tới chỉ đạo gấp các việc phát sinh nên chỉ đeo khẩu trang chứ không kịp mặc đồ bảo hộ, thế nên cũng lo về nhà không may lây bệnh cho vợ con…” - đồng chí Võ Đăng Dũng tâm sự.

Trở lại với giai đoạn dịch mới bùng phát tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, ngay khi nhận thông tin về 2 ca bệnh đầu tiên, UBND quận Thanh Xuân đã cử cán bộ tới địa bàn để đánh giá tình hình dịch tễ tại khu vực này. Đánh giá ban đầu cho thấy, đây là khu vực rất phức tạp vì có 7 nhà chung cư, trong đó có 5 tòa tập thể cũ xây dựng từ những năm 1960 với điều kiện ăn ở chật chội, vệ sinh chung, hành lang rất hẹp. Mật độ dân cư ở đây dày đặc, với khoảng 700 hộ dân, gần 2.200 nhân khẩu. Đa phần người dân ở đây là lao động làm việc tại các nhà máy trên địa bàn nên có mối quan hệ qua lại rất sâu sắc, nhiều gia đình đã 2-3 thế hệ thân thiết với nhau nên có sự giao lưu, tiếp xúc lớn. Cùng với đó, ý thức theo dõi sức khỏe cá nhân của nhiều người cũng chưa cao… Tất cả đều là điều kiện lý tưởng để dịch bùng phát.

“Phương châm phòng chống Covid-19 của quận Thanh Xuân luôn là “khoanh vùng tối thiểu, hiệu quả tối đa”, nhằm không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tất nhiên yêu cầu cao nhất vẫn là phải kiểm soát được các ổ dịch. Dù vậy, sau khi khảo sát kỹ tình hình như trên, cộng thêm tham khảo ý kiến các chuyên gia dịch tễ, chúng tôi đã lập tức chỉ đạo phong tỏa 2 ngõ 328-330, rào chốt cứng ở đầu ngõ 326 Nguyễn Trãi. Cùng với đó, quận chỉ đạo khẩn trương truy vết, đưa F0 đi điều trị, đưa F1 đi cách ly, tiến hành phun khử khuẩn, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để bóc tách F0” - đồng chí Võ Đăng Dũng nhớ lại.

Những ngày sau đó, số mắc vẫn tiếp tục tăng nhanh và khu vực này trở thành ổ dịch lớn nhất của Hà Nội vào thời điểm cuối tháng 8. Ngày 31-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại ổ dịch này và chỉ đạo phải triển khai ngay việc giãn dân để hạn chế lây lan. Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng và những chỉ đạo trực tiếp từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, ngay trong đêm 31-8, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân đã họp bàn để triển khai các biện pháp cấp bách.

Cuộc họp kéo dài tới tận 2h sáng 1-9, các ý kiến đều nhận định nếu không di dời thì 70-80% tổng số người dân sống ở đây sẽ bị lây nhiễm. Vì thế, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân đã thống nhất phương án tổ chức giãn dân ở ngõ 326-328-330 Nguyễn Trãi tới 2 khu cách ly tập trung tại huyện Thạch Thất. Ngay trong đêm, triển khai chỉ đạo của Thường trực Quận ủy, các bộ phận liên quan cấp tốc bắt tay xây dựng phương án triển khai cụ thể. Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, từ 2h đến 6h sáng, Ban Chỉ đạo chống dịch quận Thanh Xuân đã xây dựng xong phương án giãn dân chi tiết.

“Trước đó, từ nắm bắt tình hình thực tế, quận đã có ý tưởng này và đã báo cáo UBND TP xin giãn bớt dân ở ngõ 328-330. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi có thể cấp tốc hoàn thiện phương án. Đến 6h sáng 1-9, tôi trực tiếp xem lại phương án để tới 8h sáng, xin ý kiến Thường trực Quận ủy soát xét lại. 9h sáng, phương án được ban hành. 14h chiều, quận tổ chức cuộc họp chỉ đạo triển khai phương án đưa nhân dân đi giãn cách, với sự tham gia của các đơn vị liên quan và Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Tất cả các khâu, từ xây dựng đến ký duyệt phương án và triển khai diễn ra thần tốc trong chưa đầy một ngày. 19h tối 1-9, những chuyến xe đầu tiên đưa nhân dân đi giãn cách bắt đầu lăn bánh. Trong 3 ngày tiếp theo, quận đã đưa tổng cộng 1.164 người dân tới cách ly tập trung tại 2 khu vực ở huyện Thạch Thất, gồm ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh của Đại học quốc gia Hà Nội”, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng nhớ lại.

Sau giãn dân, toàn ngõ 328-330 còn lại gần 200 người, là những trường hợp người già yếu, có bệnh nền, người ở lại chăm sóc, người thực thi công vụ… Những trường hợp này đều được quận cử lực lượng hỗ trợ nhu yếu phẩm, triển khai xét nghiệm 3 ngày/lần và tổ chức tiêm vaccine cho người đủ điều kiện… Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội và có lẽ là trên cả nước, các lực lượng đã tổ chức khẩn cấp một chiến dịch di dân quy mô lớn lên đến hàng nghìn người tại một ổ dịch Covid-19 để đảm bảo giãn cách, giúp khống chế nhanh chóng sự lây lan của dịch bệnh. Một quyết định chưa từng có tiền lệ nhưng kết quả mang lại đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Cũng trong ngày 1-9, một ngày sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Quận ủy Thanh Xuân đã điều động, chỉ định ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung, nhiệm kỳ 2020-2025. Thêm một quyết định nhanh hiếm có nhưng hết sức cấp thiết trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”.

Niềm vui của những người dân ở ngõ 328 Nguyễn Trãi trong ngày được trở về sau gần một tháng đi giãn cách ở huyện Thạch Thất

Niềm vui của những người dân ở ngõ 328 Nguyễn Trãi trong ngày được trở về sau gần một tháng đi giãn cách ở huyện Thạch Thất

Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Ngay từ đầu, quán triệt các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Quận ủy, UBND quận Thanh Xuân đã thống nhất “chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu phải thực hiện, song bên cạnh đó phải hết sức quan tâm đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân nào bị bỏ lại”. Bởi, chỉ khi nhân dân tin tưởng, ủng hộ các biện pháp, chỉ đạo của chính quyền và thực hiện nghiêm túc thì mới có thể đạt được hiệu quả tối đa.

Thực tế ngày đầu tổ chức di dân về Thạch Thất, cũng có một số người dân không muốn đi. Lường trước vấn đề, quận đã thành lập một Tổ tuyên truyền để thuyết phục nhân dân hiểu và đồng thuận. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ngày 1-9, tân Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Xuân Hải đã tới ổ dịch ngõ 328-330, trực tiếp vào một số nhà dân để vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chỉ đạo của chính quyền, tuân thủ việc đi giãn cách, nâng cao ý thức phòng chống dịch.

“Công tác chống dịch phải vừa "cứng", vừa "mềm", khi nhân dân chưa hiểu thì phải vận động, tuyên truyền để họ chấp hành. Mặt khác, trong thời gian di dời, việc hỗ trợ người dân từ vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự tới bảo vệ tài sản, hỗ trợ khi họ cần... là rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân” - đồng chí Nguyễn Xuân Hải phân tích.

Không thể kể hết hàng nghìn vấn đề phát sinh trong khu vực phong tỏa hay tại 2 địa điểm mà người dân giãn cách ở huyện Thạch Thất, chỉ một vài việc nhỏ nếu không được giải quyết hợp tình, hợp lý cũng có thể trở thành tâm điểm gây bức xúc. Đơn giản nhất như việc một công dân ở khu giãn cách phản ánh vợ anh ta mang thai đến lịch tiêm chủng uốn ván cần phải được đi tiêm hay tòa chung cư trong ngõ hết nước sinh hoạt nhưng người phụ trách bơm nước là F1 đã đi cách ly… Đồng chí Triệu Nguyên Hợp, Bí thư Chi bộ 8 chia sẻ, thời điểm đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, hàng ngày, ông cũng nhận được không ít cuộc gọi của nhân dân trong ngõ phản ánh những vấn đề đời thường như vậy. Những gia đình trong ngõ có người thân qua đời khi đó ông cũng đều được biết tin... Việc gì có thể hướng dẫn qua điện thoại được, từ bệnh viện, ông Hợp đều cố gắng chia sẻ, giúp đỡ nhân dân.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà và Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng khi đến thăm người dân giãn cách ở ký túc xá Đại học FPT, nghe được kiến nghị của người dân, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của quận phối hợp với đơn vị quản lý điểm cách ly và nhà mạng lắp đặt ngay hệ thống wifi phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của nhân dân và sau này là việc học trực tuyến của trẻ ngay tại khu cách ly.

Quận cũng phối hợp với lực lượng y tế huyện Thạch Thất tổ chức tiêm vaccine cho người dân phường Thanh Xuân Trung có nguyện vọng ngay tại khu cách ly với trên 400 trường hợp được tiêm... “Mọi ý kiến, kiến nghị của nhân dân đều được xem xét, giải quyết ngay để họ yên tâm chấp hành chủ trương giãn cách phòng dịch” - đồng chí Võ Đăng Dũng nói.

Một bài học kinh nghiệm quan trọng nữa được đồng chí Võ Đăng Dũng tổng kết lại, đó là cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là người đứng đầu phải cương quyết thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, dù chỉ một phút…

Đã có lúc tôi hỏi thẳng: “Anh có làm được không?”

“Đã có những lúc tôi phải hỏi thẳng cán bộ “anh có làm được không?”, mình rất sốt ruột bởi chống dịch phải rất thần tốc, chậm trễ một chút có khi nguy hiểm rồi. Vai trò của Bí thư cấp ủy và cấp ủy địa phương rất quan trọng ở tất cả các mặt công tác ở cơ sở, không chỉ riêng phòng chống dịch. Ở đâu Bí thư xông xáo, trách nhiệm, mọi việc đều thuận lợi và ngược lại. Đặc biệt, trong chống dịch Covid-19, nếu không sâu sát, lăn lộn với cơ sở, không nắm chắc tình hình thì chắc chắn sẽ thua trong trận chiến này…”.

Đồng chí Võ Đăng Dũng (Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân)

(Còn nữa)

Bài 3: Tình huống “cân não” của Bí thư Quận ủy và 21 ngày không quên ở Văn Miếu