Bị rơi vào bẫy lừa đảo cần làm gì?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giờ muốn tố cáo thì phải tố cáo tới ai và thủ tục như thế nào? Hoàng Thị Thu Minh (Thạch Thất, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Bị rơi vào bẫy lừa đảo cần làm gì? ảnh 1Người bị hại có thể đến cơ quan có thẩm quyền để làm đơn tố giác tội phạm (Ảnh minh họa) 

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trường hợp này bạn có quyền tố giác về tội phạm đó tới cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại Điều 163 BLTTHS như sau:

“4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;”

Thủ tục tố giác tội phạm được quy định như sau:

(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc phương tiện thông tin khác tố giác tội phạm.

(2) Cơ quan điều tra nhận đơn Tiếp nhận tố giác bằng cách lập biên bản tiếp nhận nếu nhận trực tiếp hoặc ghi vào sổ tiếp nhận nếu nhận qua phương tiện khác.

Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

(3) Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

(4) Cơ quan điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra và căn cứ vào đó để ra một trong các quyết định theo đúng quy định BLTTHS tại các Điều 148, 149, 153 đến 158:

- Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác

Thời hạn giải quyết tố giác tối thiểu là 20 ngày. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.