Bí quyết giữ ấm trong những ngày lạnh kỷ lục

ANTĐ - Giải pháp nào để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nhiệt độ hạ xuống mức thấp bất thường như hiện nay? Nắm vững bí quyết dưới đây, chúng ta sẽ tránh được những rủi ro không đáng có.

Bí quyết giữ ấm trong những ngày lạnh kỷ lục ảnh 1

Đồ ăn, thức uống nóng giúp tăng nhiệt lượng trong những ngày đông giá

Xử trí khi bị hạ thân nhiệt và tê cóng

Hạ thân nhiệt và tê cóng chính là 2 rắc rối về sức khỏe thường gặp nhất trong những ngày thời tiết lạnh kỷ lục. Triệu chứng hạ thân nhiệt xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh và bắt đầu mất nhiệt nhanh hơn lượng nhiệt có thể sản sinh ra để bù vào, từ đó dẫn đến thân nhiệt hạ xuống bất thường. Thân nhiệt bình thường là 37 độ C, nếu hạ xuống dưới 35 độ C, mức đó được chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải chăm sóc y tế khẩn cấp.

Một trong những dấu hiệu sớm của tình trạng hạ thân nhiệt là sự nhầm lẫn, mất phương hướng. Một phụ nữ cao tuổi bị bệnh Alzheimer ở Chicago, Mỹ mới đây đã bị chết cóng ngay ngoài cửa nhà mình bởi bà này ra ngoài nhưng chìa khóa để quên trong nhà. Cùng với việc đặc biệt chú ý đến sức khỏe người già thì trẻ em cũng có nguy cơ cao về hạ thân nhiệt khi chúng ngủ nhưng đạp chăn hay nhiệt độ phòng quá lạnh.

Nếu ai đó có dấu hiệu hạ thân nhiệt đột ngột, hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) chỉ ra các bước xử trí như: Di chuyển nạn nhân vào nơi kín, cởi bỏ quần áo ướt nếu có trên người, làm ấm các phần quan trọng của cơ thể như ngực, cổ, đầu và vùng háng bằng bất kỳ vật dụng sẵn có như chăn điện, chăn khô, quần áo, khăn…  

Tiếp theo, cho bệnh nhân uống nước ấm giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể, lưu ý không cho họ uống đồ uống có cồn hoặc cố đưa đồ uống cho người đã bất tỉnh. Khi nhiệt độ tăng dần lên, quấn kín bệnh nhân bằng tấm chăn ấm, nhớ quấn kín đầu và cổ, đồng thời gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Cùng với đó, trong thời tiết buốt giá, bất kỳ bộ phận cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh quá lâu như mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân đều có thể bị tê cóng, thậm chí có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Khi thấy vùng da mẩn đỏ hoặc màu xám vàng, hãy trú ở nơi ấm hơn vì khi đó vùng da đó đã bị tê cóng bên trong. Tiếp theo, làm ấm vùng bị tê buốt càng nhanh càng tốt, ví dụ các đầu ngón tay có thể hâm nóng ngay dưới nách mình.

Nếu ngón chân tê cóng, đừng cố bước đi vì lúc này có thể gây tổn thương thêm, mạch máu dưới da sẽ vỡ ra, thời gian lành sẽ lâu hơn. Cùng với đó, tránh sử dụng miếng áp nóng, đèn nhiệt, lò sưởi, bếp than làm cho nóng lên bởi phần chi bị tê cóng có thể bị bỏng lúc nào không biết.

Cẩn trọng những biện pháp giữ ấm ngày lạnh 

Cho dù trời lạnh, mọi người đều ở trong nhà nhưng một số cách thức giữ ấm trong những ngày lạnh giá cũng có thể ẩn chứa rủi ro. Trời quá lạnh thường đi kèm với mất điện do hệ thống bảo vệ đường dây tải điện hỏng vì thời tiết. Do đó, nếu sưởi ấm tuyệt đối không sử dụng bếp lò hay vận hành máy phát điện trong nhà, kể cả trong tầng hầm hoặc nhà để xe vì khí thải có thể dẫn tới ngộ độc khí. 

Hãy thận trọng khi sử dụng máy sưởi. Đặt máy sưởi trên nền cứng, trong vòng bán kính 1m không để gần tài liệu giấy tờ, quần áo, giường, rèm cửa… Nhớ tắt máy sưởi trước khi rời khỏi phòng hoặc đi ngủ. Tất cả đều nhằm đề phòng chập cháy, hỏa hoạn.

Để giúp cơ thể có thêm nhiệt lượng chống lại ngày đông buốt giá, có thể tăng cường các món ăn dễ tiêu hóa như món súp, món hầm. Tuy nhiên, về đồ uống, sự kết hợp của rượu và thời tiết lạnh khá nguy hiểm. Không uống rượu rồi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh, cũng không nên vì trời lạnh mà uống thêm rượu cho nóng người. Rượu ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và làm suy giảm nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh, vì thế nó làm cho thân nhiệt giảm nhanh hơn.