Bị phản đối ở nhiều địa phương, nhà đầu tư BOT than khó

ANTD.VN - Trong khi các “ông lớn” chuyên làm dự án BOT giao thông cho rằng, không “màu mè” gì khi làm các dự án loại này thì các trạm BOT liên tiếp đặt... nhầm chỗ, khiến dư luận bất bình.

Bị phản đối ở nhiều địa phương, nhà đầu tư BOT than khó ảnh 1Nhà đầu tư nói làm dự án BOT chủ yếu vì... lợi ích xã hội 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco Phạm Quang Dũng cho biết, nhà đầu tư BOT đang gặp khó khăn khi nhiều dự án bị người dân phản đối do chưa thấy được lợi ích của dự án.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cũng than: “Trước đây, các tỉnh, thành phố ra sức kêu gọi chúng tôi về địa phương làm dự án BOT để giao thông được cải thiện, nhưng giờ chúng tôi đang phải chịu thua thiệt. Nên chăng, Nhà nước cần nhìn lại để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Khi nhà đầu tư giảm giá vé, kéo dài thời gian thu phí sẽ rất thiệt hại vì không kịp trả lãi ngân hàng, thời gian bảo trì tăng, tổng chi phí của dự án BOT tăng lên”.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, một số trạm BOT đặt chưa hợp lý nên người dân mới bức xúc. “Nhà đầu tư có giải thích như thế nào cũng không thuyết phục. Người dân không đi đường được đầu tư theo hình thức BOT thì không đóng phí là chuyện tất nhiên.

Nhà đầu tư nào cũng khẳng định quy trình đầu tư đúng. Nhưng quy trình của ta có vấn đề vì khi làm dự án BOT, chúng ta không lấy ý kiến của nhân dân, những người sẽ phải chi trả tiền trực tiếp để đi con đường đó”

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam

Nhà đầu tư nào cũng khẳng định quy trình đầu tư đúng. Nhưng quy trình của ta có vấn đề vì khi làm dự án BOT, chúng ta không lấy ý kiến của nhân dân, những người sẽ phải chi trả tiền trực tiếp để đi con đường đó”, ông Nguyễn Văn Thanh nói. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, không nên đặt trạm thu phí BOT ở đầu hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn mà nên đặt chính giữa tuyến đường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhìn nhận, hiện tượng người dân phản đối trạm thu phí BOT là do việc đặt trạm chưa hợp lý, nhà đầu tư chưa làm tốt công tác tham vấn cộng đồng khi thực hiện dự án. Đồng thời, sự minh bạch trong quản lý thu phí tại một số trạm BOT chưa được thực hiện tốt cũng là yếu tố tạo nên đánh giá tiêu cực từ xã hội đối với chính sách BOT nói chung.

Hiện nay, ngoại trừ một số ít trạm thu phí tự động không dừng, còn lại hầu hết áp đụng công nghệ thu phí 1 dừng (thủ công), không tạo thuận lợi cho việc giám sát doanh thu của các trạm BOT”. 

Để tiếp tục thu hút vốn xã hội hóa vào xây dựng hạ tầng giao thông trong thời gian tới, đại diện Bộ GTVT cho biết, sẽ bàn bạc với các bộ ngành liên quan và có chính sách phù hợp, hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và người dân. Bộ Tài chính cho rằng, công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện dự án là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của các dự án BOT. Đặc biệt, việc phê duyệt quyết định đầu tư các dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.