Bị ngân hàng "đổ lỗi" trong việc thu thuế nghiệp vụ thư tín dụng, Tổng cục Thuế nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng phía các cơ quan của Ngân hàng Nhà nước phải thống nhất quan điểm, vì cơ quan này soạn thảo ra Luật các Tổ chức tín dụng nhưng chính các quan điểm lại không thống nhất, dẫn đến những vướng mắc liên quan đến việc thu thuế với nghiệp vụ thư tín dụng (L/C).

Ngân hàng nói ngành thuế làm "chưa phù hợp quy định pháp luật"

Những vướng mắc này phát sinh khi Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng (L/C).

Tổng cục Thuế nêu rõ: Từ thời điểm Luật TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định. Do đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

Trước đó, Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng dẫn Luật các TCTD 2010, quy định về cấp tín dụng, bao gồm các hoạt động: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định rõ L/C là một trong các hình thức cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ đối với nghiệp vụ L/C tương ứng như bảo lãnh và các khoản cấp tín dụng khác, đồng thời được tính trong tổng mức dư nợ cấp tín dụng của TCTD.

Việc truy thu thuế với dịch vụ thư tín dụng đang gây lo lắng cho các ngân hàng

Việc truy thu thuế với dịch vụ thư tín dụng đang gây lo lắng cho các ngân hàng

Các ngân hàng cho rằng, dịch vụ thư tín dụng L/C vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán).

Do đó, từ năm 2010 đến nay, các NHTM đang thực hiện chính sách thuế GTGT đối với thư tín dụng theo hướng bóc tách, phân loại ra bản chất là dịch vụ thanh toán hoặc hoạt động cấp tín dụng để xác định khoản phí nào thuộc đối tượng chịu thuế hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, đại diện của các TCTD cho rằng: "Công văn 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế chỉ căn cứ vào Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD quy định về “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản” để kết luận nghiệp vụ L/C là nghiệp vụ thanh toán, mà không căn cứ các quy định hiện hành khác của Luật các TCTD (Khoản 4 Điều 14 và Khoản 3 Điều 98) và các quy định của NHNN như đã nêu ở trên là chưa đúng bản chất pháp lý, chưa phù hợp quy định pháp luật".

Hướng dẫn Luật không thống nhất là có lỗi với doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, hai cơ quan là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hiện đang trong quá trình làm việc, trao đổi với nhau để có hướng dẫn thỏa đáng về vấn đề này.

Riêng đối với cơ quan Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế đang tập hợp số liệu từ các ngân hàng về hoạt động nghiệp vụ thư tín dụng để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để có thể ngồi lại với phía Ngân hàng Nhà nước. Sau khi thống nhất, vấn đề chính sách thuế với hoạt động L/C sẽ thực hiện theo chỉ đạo 2 Bộ.

Theo đại diện Tổng cục Thuế việc truy thu thuế với nghiệp vụ thư tín dụng không có nghĩa là các ngân hàng làm sai, mà do hướng dẫn Luật không thống nhất.

"Ngân hàng có lỗi không, họ không có lỗi thì các cơ quan phải giải quyết cho họ chứ. Mình hướng dẫn Luật không thống nhất là có lỗi với doanh nghiệp đấy.

Thế nên các Vụ của NHNN phải ngồi lại với nhau, vì họ soạn thảo ra Luật các Tổ chức tín dụng mà bản thân quan điểm của họ lại không thống nhất, không xuyên suốt. Còn chính sách thuế là không thay đổi, thuế với hoạt động tín dụng ra sao, thuế với dịch vụ thanh toán ra sao, rất rõ ràng. Vấn đề là phía NHNN phải khẳng định cho chúng tôi L/C là tín dụng hay thanh toán, hay là dịch vụ” – ông Nguyễn Văn Phụng nêu quan điểm.

Về vấn đề hồi tố, ông Phụng khẳng định đây là vấn đề rất khó khăn. Vì ngoài việc các ngân hàng phải nộp thêm thuế thì vấn đề đặt ra còn là tiền phạt, tiền chậm nộp. “Mười năm mà cứ tính 0,03%/ngày thì cũng nhiều đấy” – ông Phụng nói.