Bị mổ lấy con chỉ vì quên uống thuốc

ANTĐ - Câu chuyện của nữ tiếp viên hàng không Allesandra Pacchieri người Italia bị ép mổ lấy thai, sau đó bị giữ con tại Anh đang tạo nên không ít bức xúc trong dư luận.

Allesandra Pacchieri cùng con gái lớn tại Italia

Bị nhầm là bệnh nhân tâm thần

Vụ việc đau lòng xảy ra hồi tháng 6-2012, cô Allesandra Pacchieri, 35 tuổi, một tiếp viên hàng không người Italia bay sang Anh để tham dự một khóa đào tạo của hãng hàng không Ryanair tại sân bay Stansted ở Essex, Anh. Lúc ấy cô đang mang thai đứa con thứ ba. Allesandra mắc chứng rối loạn lưỡng cực (một dạng rối loạn cảm xúc), cần phải uống thuốc thường xuyên để kiểm soát bệnh.

Trong khi đang nghỉ tại một khách sạn gần sân bay hôm 13-6-2012, Allesandra quên uống thuốc nên đã mất kiểm soát. Allesandra đã gọi cho cảnh sát. Khi họ tới, Allesandra đang nói chuyện điện thoại với mẹ đẻ ở Italia. Cô đưa điện thoại cho cảnh sát, mẹ Allesandra có giải thích về sức khỏe của cô. Cảnh sát sau đó đã liên lạc với các nhân viên xã hội hạt Essex rồi quyết định đưa Allesandra đến bệnh viện để kiểm tra. Tuy nhiên, Allesandra nhận thấy họ đưa cô đến bệnh viện tâm thần.

Bị giữ ở đó 5 tuần, Allesandra đã bị trói lại rồi tiêm thuốc mê. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, Allesandra vẫn cảm nhận mình bị phẫu thuật. Cơ quan dịch vụ xã hội Essex trước đó đã xin phán quyết của Tòa án Bảo hộ (cơ quan chuyên quyết định những chuyện “sinh tử” thay cho người không đủ năng lực hành vi) cho phép cưỡng chế Allesandra để mổ lấy thai. 

Đến tháng 8-2012, tòa án nước Anh đã đưa ra quyết định trao quyền chăm sóc em bé cho các nhân viên xã hội tại Essex, mặc dù Allesandra được phép gặp con vài ngày sau ca mổ. Các thủ tục nhận con nuôi cũng diễn ra nhanh chóng, còn Allesandra bị chuyển về quê Italia.

Cuộc chiến pháp lý

Về nước, Allesandra trở lại với công việc của mình và lên kế hoạch cho “cuộc chiến” đòi lại con. Ngày 2-12-2013, Allesandra đã khởi kiện đòi lại đứa con gái 15 tháng tuổi. Phiên điều trần đầu tiên diễn ra hôm 8-12 tại Tòa án hạt Chelmsford. Tại đây, tòa án vẫn phán quyết bé gái sẽ được cho làm con nuôi vì lý do Allesandra đang trong quá trình điều trị bệnh và bệnh dễ tái phát. Allesandra đã nộp đơn kháng cáo. 

Stefano Oliva, luật sư bào chữa cho Allesandra cho biết hôm đó, thân chủ của ông rõ ràng có nói với các nhân viên xã hội không cần đưa cô đến bệnh viện. “Khả năng nói tiếng Anh của cô ấy rất lưu loát, cho nên không thể xảy ra vấn đề về giao tiếp”, luật sư Stefano cho biết. Vị luật sư này cũng khẳng định cô 

Allesandra đã van nài được sinh con ở Italia.

Ngay sau khi vụ việc được đưa lên báo, nhiều người đã bày tỏ sự thương cảm đối với bà mẹ này. Bà Maria Edera Spadoni, thành viên Hạ viện Italia bức xúc: “Điều đầu tiên chúng tôi muốn hỏi là vì sao giới chức Anh có thể làm như vậy đối với một người mẹ và thứ hai là tại sao có thể lấy đứa bé trong khi nó không phải là người Anh. Theo luật Italia, đứa bé đó là người Italia”. 

Không chỉ phê phán quyết định của Tòa án Bảo hộ, dư luận còn đặt dấu hỏi về trách nhiệm liên quan của các nhân viên xã hội, cảnh sát và đội ngũ y bác sỹ. Ông John Hemming, một nghị sĩ Đảng Dân chủ ở vùng Birmingham Yardley cho biết sẽ nêu vấn đề này trước Hạ viện Anh và ông cho rằng đây là một “vụ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất”.

Tòa án Tối cao tại Rome, Italia cũng yêu cầu phía nhân viên xã hội Essex giải thích lý do tại sao không liên lạc với gia đình Allesandra tại Italia để cùng bàn bạc hướng giải quyết. Trong khi một nhân viên xã hội đề nghị giấu tên trực tiếp chăm sóc Allesandra hôm đó khẳng định, với tình trạng bệnh như của Allesandra, sẽ rất nguy hiểm nếu sinh thường.