Bí mật về nhà sưu tập tranh có hạng đất Hà thành

ANTD.VN - Ông Bổng “Hàng Buồm” - nhà sưu tập tranh nổi tiếng của Hà Nội luôn được nhắc tới như người sở hữu bộ sưu tập bản thảo độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Nhưng như vậy là chưa đủ, các câu chuyện kể về ông được thế hệ sau biết tới cũng “độc” chẳng kém.

Ông Bổng “Hàng Buồm” (bên phải)

Người tạo động lực cho nghệ sỹ sáng tác

Ông Bổng “Hàng Buồm”, biệt danh ấy là đủ để người ta ngầm hiểu rằng nhà ông ở phố Hàng Buồm. Nhưng nếu chỉ hiểu theo cách đơn giản như thế thì cái tên Bổng “Hàng Buồm” cũng phần nào mất đi giá trị đáng phải nhắc đến. Người đặt biệt danh này cho ông Phạm Văn Bổng chính là danh họa Bùi Xuân Phái, để phân biệt ông và nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Con trâu”.

Việc đặt biệt danh như vậy thể hiện tình cảm của hai người bạn cùng sinh ra và lớn lên tại phố cổ cũng như sự trân trọng của họa sỹ Bùi Xuân Phái đối với một nhà sưu tập nặng lòng với văn nghệ sỹ. Sự đóng góp của ông Bổng “Hàng Buồm” đối với nền nghệ thuật Việt Nam thuở ban đầu, với tư cách người tạo động lực, thúc đẩy các họa sỹ sáng tác là điều không thể phủ nhận. Dù trước đó, ông hầu như không có mối liên hệ với giới văn nghệ sỹ Việt Nam. 

Khi mới 14, 15 tuổi, ông Phạm Văn Bổng đã gia nhập bộ đội pháo binh và cầm súng chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Một vài bức tranh ông nhặt được sau mỗi trận chiến đấu chỉ là một sở thích nho nhỏ của anh lính Phạm Văn Bổng ngày đó. Nhưng sở thích này chưa đủ để đưa ông trở thành nhà sưu tầm có tiếng của Hà Nội.

Công việc của nhà sưu tập chỉ được ông Bổng bắt đầu sau khi giải ngũ rồi về công tác tại Vụ Tuyên giáo, Bộ Nông nghiệp. Từ đây, ông bắt đầu giao lưu nhiều hơn với các nhà văn, nhà thơ, các họa sỹ của Hà Nội. Có điều lạ, ở thời điểm ấy, ông Bổng không định lượng sẽ tạo nên một bộ sưu tập bản thảo độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Ông chỉ nghĩ đơn giản rằng, một người bạn của mình, sau nhiều tháng ngày thai nghén mới ra được một tập bút ký, một tập tản văn hoặc một bức tranh. Công sức ấy, ông muốn lưu giữ ngay từ khi chỉ còn ở dạng bản thảo. Những câu văn gạch đi viết lại, sửa chữa nhằng nhịt, những nét phác thảo ban đầu còn thô sơ, tẩy xóa nhiều lần mới thể hiện được hết sự trăn trở của những người cầm bút. 

Chân dung ông Bổng “Hàng Buồm” (Tranh Bùi Xuân Phái 1977, sơn dầu)

Mối thâm tình tri kỷ sâu sắc

Mối quan hệ giữa những người bạn văn nghệ với ông Bổng “Hàng Buồm” sâu đậm đến nỗi, một bản thảo vừa ráo mực, chưa kịp ra lò nhưng đã được các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp… gửi gắm ông lưu giữ.

Thế nên mới có chuyện, cách đây đã lâu, nhà văn Nguyễn Tuân vào dịp Tết đã viết một bức thư gửi đến ông Bổng “Hàng Buồm”, trong đó có một câu đại ý rằng: “Tết này tôi tặng ông một cuốn sách mới xuất bản, để ông đọ với tập bản thảo. Chúc ông và quý gia quyến một cái Tết bình an”.

Một đời sống nghèo về vật chất nhưng nặng tình người của người Hà Nội khi ấy có thể nhìn thấy trong cách chơi, sưu tầm của ông Bổng “Hàng Buồm”. Ngôi nhà trên gác 2 của ông dù chật chội, vừa là phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp của gia đình nhưng là địa điểm thường xuyên lui tới của các danh họa, nhạc sỹ, nhà văn... Ngôi nhà ấy gần gũi đến mức, các bạn của ông nếu muốn ăn sẽ tự “lăn” vào bếp, nấu nướng. 

Nói là nhà sưu tập nhưng giá trị vật chất ông Bổng bỏ ra để sở hữu các bản thảo tranh và tác phẩm văn học có đáng là bao. Có khi chỉ cái bút, cái toan ông tặng bạn mình cũng đủ để những người cầm bút cảm thấy sự trân trọng và có thêm động lực để sáng tác. Điều đặc biệt ở ông Bổng “Hàng Buồm” là khả năng phát hiện nhân tài từ rất sớm.

Ông đã nhìn thấy ở nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khả năng viết truyện ngắn về đề tài nông thôn và những người lao động khi mới chỉ là một thầy giáo từ Tây Bắc về Hà Nội, chưa xuất hiện nhiều trên văn đàn Việt. Còn nhiều nữa những tên tuổi khác như họa sỹ Thành Chương, Công Quốc Hà, Lê Trí Dũng… cũng đã được ông phát hiện từ rất sớm.

Dù khoảng cách về tuổi tác giữa ông Bổng “Hàng Buồm” và các tài năng trẻ khá lớn nhưng là người trẻ trung và hiện đại, ông chơi với lớp nghệ sỹ già cũng được, mà “đua” theo lớp nghệ sỹ trẻ cũng ổn. 

Ngoài biệt danh Bổng “Hàng Buồm”, ông còn có một biệt danh khác là Bổng “Levis”. Tức là, từ ngày những người xung quanh còn đang thiếu ăn thiếu mặc thì ông đã diện quần Jeans “rách”, áo bò rồi áo sọc, hút tẩu và nghiên cứu khảo cổ. Ông từng là gã “cao bồi già” đúng chất phố cổ.

Anh Phạm Phú Tín, con trai của nhà sưu tập Phạm Văn Bổng cho biết, ăn chơi là thế nhưng ông Bổng rất thương vợ con. Cứ vào dịp Tết, để con cái có cái bánh chưng ngon, có áo mới, ông lại bỏ công bỏ sức làm mô hình triển lãm và nhiều công việc khác... miễn sao có tiền đỡ đần vợ con.

Sống có nghĩa, có tình với bạn bè và những người trong gia đình nên ông Bổng rất được lòng. Điều đó giúp ông trở thành nhà sưu tập nổi tiếng với nhiều bản thảo có giá trị. Phần nhiều trong số ấy vẫn được gia đình lưu giữ trong căn nhà số 93 phố Hàng Buồm, có những bức tranh chưa từng được công bố.

Gần chục năm sau ngày ông mất, di sản mà ông để lại vẫn được con trai ông là Phạm Phú Tín trân trọng giữ gìn và ngôi nhà mà ông từng ở, từng là nơi bạn bè bốn phương hội tụ nơi đây, cho tới tận bây giờ vẫn là một địa chỉ tin cậy cho những ai muốn tìm hiểu về Hà Nội một thời chưa xa.