Bí mật trong chiếc va li đỏ của ông Lý Quang Diệu

ANTĐ - Ông Lý Quang Diệu có một chiếc va li màu đỏ khá dày, khoảng 14cm. Các trợ lý của ông cho biết, chiếc va li này đã theo ông qua nhiều năm tháng, gần như là vật bất ly thân. Có gì trong chiếc va li đó? Khi nghe ông Heng Swee Keat - thư ký riêng của ông Lý Quang Diệu kể về câu chuyện xoay quanh chiếc va li đặc biệt ấy, người ta càng thấy sáng lên hình ảnh một nhà lãnh đạo luôn cống hiến hết mình và bền bỉ cho đất nước Singapore.

Bí mật trong chiếc va li đỏ của ông Lý Quang Diệu ảnh 1Tháng 3-1999, ông Lý Quang Diệu thăm chính thức New Zealand, thư ký Heng Swee Keat (người thứ tư từ trái sang) cùng đi

“Tôi bắt đầu trở thành thư ký riêng khi ông Lý Quang Diệu đang làm Bộ trưởng Cố vấn, đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc va li đó. Chính xác thì nó có màu rượu vang đỏ, giống màu ghế trong Nghị viện Singapore. Những chiếc va li này có từ thời chính quyền Anh, thường được các bộ trưởng sử dụng để đựng tài liệu, nhưng chỉ duy nhất ông Lý còn dùng đến mãi sau này. Mỗi ngày, trước khi ông tới phòng làm việc thì chiếc va li này phải đến trước. 

Điểm xuất phát của những mệnh lệnh và ý tưởng 

Chiếc va li đỏ ấy giúp ông Lý Quang Diệu có thể làm việc bất cứ thời điểm nào. Qua bao năm tháng, chiếc va li đã chứa những giấy tờ, bản nháp, thư, sách vở và những bản ghi chép các câu hỏi, suy tư và quan sát của ông. Trong một thời gian dài, vật dụng thường thấy trong chiếc va li là các băng cassette ghi lại những mệnh lệnh và suy nghĩ của ông để các cán bộ có thể chép lại. Thời gian sau, ông chuyển sang dùng máy ghi âm điện tử. 

Chiếc va li màu đỏ còn chứa nhiều tài liệu khác, những bản ghi chép đối thoại với lãnh tụ và chính khách nước ngoài, những quan sát về khủng hoảng tài chính, mệnh lệnh cho cấp dưới và cả những câu hỏi về cây xanh mà ông chợt nhìn thấy khi đi qua đường cao tốc. Ông Lý Quang Diệu là một người luôn để ý kỹ càng tới mọi điều. Mỗi khi ông thấy một vấn đề bất thường nào đó, như một cái cây có biểu hiện sắp chết chẳng hạn, lập tức một tờ ghi chép được cho vào va li.

Xoay quanh chiếc va li đỏ luôn là những vấn đề làm thế nào để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Vào mỗi buổi sáng, các thư ký sẽ nghe các băng ghi âm và ghi chép lại các mệnh lệnh từ đêm trước, còn nhiệm vụ của tôi là chuyển các mệnh lệnh tới các bộ, ban, ngành liên quan. Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng làm xong các chỉ dẫn của ông Lý Quang Diệu trước khi ông tới văn phòng. Trong lúc đó, ông Lý làm việc tại nhà. Trong thời gian tôi làm thư ký riêng cho ông Lý (1997-2000), khủng hoảng tài chính châu Á làm chao đảo nền kinh tế nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và có thể gây ra biến động chính trị. Đó là thời điểm căng thẳng, không ai biết trước điều gì có thể xảy ra. Tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi của ông từ nhà để giúp ông kiểm tra một số thông tin hoặc sắp xếp các cuộc gặp gỡ với các chuyên gia tài chính. 

Bí mật trong chiếc va li đỏ của ông Lý Quang Diệu ảnh 2Chiếc va li chứa đựng những vấn đề quốc kế dân sinh của Singapore

Vòng xoay mỗi ngày 

Nhiều năm làm việc với ông, tôi biết hàng ngày, bữa sáng của ông Lý rất đơn giản, chỉ là một bát tàu hũ không đường được mua ở chợ gần nhà. Ông không dùng cafe hay trà sau bữa sáng mà tới thẳng văn phòng. Ngay khi tới, các công việc đã hoàn thiện theo chỉ đạo trong chiếc va li đỏ được chuyển tới để ông kiểm tra và chỉ đạo tiếp. Sau đó ông đọc các tài liệu, báo chí, kiểm tra, trả lời email và trả lời các cuộc điện thoại.

Buổi tối là thời gian ông Lý tập thể dục, không sót buổi nào. Ông tập chạy, chèo thuyền, bơi và đi bộ trong khi vẫn nghe tin tức buổi tối hoặc học tiếng Trung. Trong khi ông Lý Quang Diệu luyện tập, đội ngũ thư ký chúng tôi tận dụng thời gian một lần nữa rà soát việc thực hiện mệnh lệnh từ chiếc va li đỏ, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để chiếc va li được ông đưa về nhà. Đôi khi việc chuẩn bị không kịp thì vệ sĩ của ông sẽ phải quay lại lấy để ông kịp làm việc vào ban đêm.

Khi phu nhân Kha Ngọc Chi còn sống, đôi khi bà tạt qua văn phòng vào cuối ngày để gặp ông. Họ ngồi dưới những gốc cây yêu thích và nói chuyện như bao cặp vợ chồng khác, về bữa tối và về con cháu. Và rồi, họ cùng về nhà với chiếc va li đỏ. 

Sau cuộc đi dạo buổi tối, ông Lý bắt đầu quay trở lại với công việc. Đó là khi ông mở chiếc va li đỏ và bắt đầu giải quyết các công việc đã được các thư ký chuẩn bị từ trước. Góc làm việc của ông vốn là phòng ngủ của con trai ông. Bàn làm việc rất đơn giản, chỉ là một cái bàn gỗ cũ, trên mặt đặt một tấm kính mà phía dưới là vài tấm ảnh gia đình trong đó có cả tấm ảnh con trai Lý Hiển Long khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Khi bà Lý còn sống, bà thường đọc sách trong khi ông Lý làm việc. Họ thích nghe nhạc cổ điển trong khoảng thời gian đó. Thời còn là Thủ tướng, ông Lý thường đi ngủ vào lúc 

3h30 sáng. Sau khi chuyển sang vị trí cố vấn cấp cao, ông thường đi ngủ sau 2h sáng. Nếu phải bay đi công tác thì ông sẽ ngủ sớm hơn, khoảng từ 1 đến 2h sáng. 

Trước khi đi ngủ, ông Lý lại cho tất cả tài liệu vào trong chiếc va li đỏ, với các mệnh lệnh, chỉ thị rõ ràng. Điều cuối cùng ông làm hàng ngày là đặt chiếc va li ngay trước cửa phòng làm việc của ông. Sáng hôm sau, điều đầu tiên các vệ sĩ làm là chuyển chiếc va li đỏ đi thật sớm tới văn phòng. Và một ngày mới lại bắt đầu. 

Một cốt cách, một tinh thần

Năm 1996, ông Lý bị nghẽn động mạch vành và phải trải qua quy trình đặt stent để làm giãn mạch. Đây là cuộc phẫu thuật thứ hai trong vòng 2 tháng. Sau ca phẫu thuật, ông được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu để theo dõi tiếp. Ngay khi tỉnh lại, ông ngồi dậy và gọi vệ sĩ. Câu đầu tiên ông nói là: “Anh có thể chuyển cái va li đỏ cho tôi không?”. Chiếc va li đỏ lập tức được chuyển gấp tới phòng hồi sức cấp cứu và ông lại tiếp tục làm việc. Năm đó, ông Lý 72 tuổi.

Năm 2010, ông Lý lại phải nhập viện, lần này là do viêm nhiễm vùng ngực. Khi ông đang nằm viện thì bà Lý mất. Nghe tin báo, ông vội rời bệnh viện và tới lễ tang tại Sri Temasek. Đêm đó, các bác sĩ yêu cầu ông phải trở về bệnh viện ngay. Thế nhưng, ông lại yêu cầu đội vệ sĩ đưa ông tới bờ sông Singapore. Đêm đã muộn, nhưng ông Lý vẫn đứng đó, nhớ tới người vợ luôn kề vai sát cánh bên mình, trong im lặng.

Ông đi chậm rãi dọc bờ sông Singapore, nơi ông và bà thỉnh thoảng vẫn dạo bộ khi bà còn sống. Đột nhiên, ông đứng lại và gọi đội vệ sĩ, tay chỉ vào một vài túi rác trôi trên sông và nói: “Anh có thể chụp lại không? Tôi sẽ nhắc thư ký xử lý vấn đề này vào ngày mai”. Sau khi ảnh được chụp, ông lập tức quay về bệnh viện. Đội an ninh và tôi lúc ấy ai cũng xúc động, kể cả trong nỗi đau riêng, ông vẫn nghĩ đến việc giữ sạch sông Singapore, nghĩ đến đất nước.

Ông nhập viện hôm 5-2 và chiếc va li đỏ vẫn ở bên cạnh ông mỗi ngày cho tới tận ngày 4-2. Ông Lý chưa bao giờ ngừng trăn trở vì Singapore!”.

Bài 5: Từ ý tưởng của ông Lý Quang Diệu đến những dự án tỷ đô tại Việt Nam