"Bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ"

ANTD.VN - Khi đất trời sắp đến thời khắc giao hòa, cũng là lúc mà mọi thứ ồn ào, tranh cãi, bon chen của đời thường tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những cảm xúc sâu lắng, cho tình thân, sự đoàn tụ. Đoàn tụ, sum vầy trở thành yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết. Chính vì lẽ đó, NXB Thế giới phối hợp cùng thương hiệu sách Sống ra mắt ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020 -  Sách Tết đoàn viên. 

Tết đoàn viên vốn như lời tâm tình thủ thỉ, với những hoài niệm thao thiết, đượm phong vị tết xưa nay trên mọi miền. Qua mọi cung bậc thời gian và cảm xúc, cuốn sách sẽ là món quà giản dị và trang nhã gửi tặng những tâm hồn đồng điệu, để ngẫm ngợi trong những ngày nhàn nhã đượm phong vị xuân mới. 

Đọc xong cuốn sách này, độc giả có cảm giác cuốn sách như cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về với những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của thời khắc kỹ vĩ nhất một năm – thời khắc chuyển từ năm cũ sang một năm mới. Những vẻ đẹp và sự thiêng liêng mà các tác giảnói tới trong cuốn sách này thực sự đang rời xa chúng ta theo nămtháng. Đó là sự thật. 

Sách "Tết đoàn viên"

Sẽ khó có thể có một cái tên nào khác phù hợp hơn cái tên Tết đoàn viên cho một cuốn sách viết về Tết. Yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ. Mỗi tác giả trong cuốn sách này, bằng một cách riêng nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị của từng vẻ đẹp của từng vùng, từng thời… làm nên vẻ đẹp của Tết. 

Những vẻ đẹp ấy hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống… Nhưng dòng chảy lớn nhất và thiêng liêng nhất qua nhữngvẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Cho đến tận bây giờ, trong thời đại công nghệ 4.0 này, dân làng tôi vẫn chuẩn bị hai con đường vào những ngày cuối năm để đón những người đi xa trở về với gia đình mình, với quê hương bản quán của mình. Một con đường cho người sống và một con đường cho người đã khuất. Và vào buổi chiều của ngày cuối năm, lúc nào tôi cũng cảm nhận một cách kỳ lạ mình đang sốngtrong hơi thở ấm áp của những người trong gia đình đang sống và tất cả những người thân yêu trong gia đình đã khuất tự ngàn xưa".

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, không có lễ hội nào trong một năm như Tết lại có khả năng kỳ diệu cho sự đoàn tụ gia đình, cho sự gắn kết những quan hệ xa lạ, cho sự hòa giải những bất hòa, cho sự tha thứ những lầm lạc… Bởi trong những giờ phút thiêng liêng ấy, con người muốn rũ bỏ quá khứ phiền muộn, khổ đau và thất vọng để hướng về một tương lai tốt đẹp trong năm mới.

Có biết bao con người tha phương có thể quên cả tiếng mẹ đẻ hay mang trong mình một nỗi đau đớn nào đó nơi cố hương nhưng mỗi khi Tết đến là họ lại muốn trở về cố hương cho dù chỉ trở về bằng con đường trong những giấc mơ đầy thươngnhớ và thổn thức của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Những năm gần đây, có một số người kêu gọi bỏ Tết. Họ đã mắc một sai lầm trầm trọng bởi họ không nhìn thấy những bí mật lớn lao cho lẽ sống, họ không nhìn thấy những vẻ đẹp văn hóa kỳ vĩ trong mọi cách thức đón nhận năm mới của người Việt và họ không nhận ra sức mạnh gắn kết và chia sẻ của con người trong thời khắc đó. "Và lúc này, cỗ máy thời gian mang tên Tết đoàn viên đang đưa tôi trở về một không gian của những vẻ đẹp và sự thiêng liêng. Từ không gian ấy, tôi nhận ra sự phù phiếm, sự vô cảm và nỗi hoang mang của con người trong một thế giới mà tâm hồn họ đang có nguy cơ bị “số hóa’’. Và cũng từ không gian ấy, một lần nữa, tôi lại lớn lên", nhà văn nhấn mạnh. 

Những tác giả góp mặt trong “Tết đoàn viên” có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Phấn, Văn Công Hùng, Trung Sỹ, Lê Minh Quốc, Uông Triều....