Bí mật đằng sau việc Nga bắt giữ công dân Mỹ nghi làm gián điệp

ANTD.VN - Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman ngày 2-1 đã đến thăm một công dân Mỹ đang bị Nga giam giữ, 5 ngày sau khi người đàn ông này bị bắt giữ một cách bí ẩn với cáo buộc làm gián điệp.

Paul Whelan từng đến Nga nhiều lần vì công việc

Paul Whelan: Công dân Mỹ bị FSB bắt giữ là ai?

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ ông Paul Whelan (48 tuổi) từ ngày 28-12-2018 vì tình nghi làm gián điệp, tuy nhiên không nói rõ về hành động khiến ông phải chịu cáo buộc này. FSB chưa công bố bằng chứng về việc Whelan là điệp viên, chỉ thông báo đã khởi tố vụ án hình sự chống công dân Mỹ này và tiếp tục điều tra. 

Ngày 2-1, Đại sứ Huntsman đã đến thăm Whelan trong Trại giam Lefortovo và nói chuyện với gia đình ông này qua điện thoại sau chuyến thăm, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Đại sứ Huntsman bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Whelan và đề nghị sự giúp đỡ của Đại sứ quán” - người phát ngôn nói - “Do cân nhắc về quyền riêng tư cho ông Whelan và gia đình, chúng tôi không còn thông tin gì nữa vào lúc này”.

Gia đình Whelan bác bỏ quan điểm cho rằng ông ta là một điệp viên, khẳng định ông đang ở Nga để tham dự đám cưới của một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và một phụ nữ Nga. David Whelan, người anh em song sinh với Paul Whelan đã lên tiếng trên Twitter và cho rằng anh trai mình vô tội. “Sự vô tội của Paul là rõ ràng và chúng tôi tin rằng các quyền của ông ấy sẽ được tôn trọng” - David Whelan viết trên Twitter hôm 1-1-2019.

 Trước đó cùng ngày 2-1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi nói rõ với Nga rằng, Mỹ mong muốn được tìm hiểu thêm về vụ việc này để hiểu tại sao ông ấy bị buộc tội và nếu việc giam giữ là không phù hợp, chúng tôi sẽ yêu cầu thả người ngay lập tức”.

Whelan sinh ra ở Canada có cha mẹ là người Anh, nhưng là một công dân Mỹ sống ở Novi, bang Michigan. Theo Daily Beast, Whelan có quá khứ phức tạp khi vừa là cựu cảnh sát, cựu lính thủy đánh bộ và có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực an ninh tư nhân ở Mỹ. Ông từng là cảnh sát tại thành phố Chelsea, bang Michigan trong giai đoạn 1988-2000. Đến năm 2001, ông rời lực lượng cảnh sát và bắt đầu làm việc tại Công ty nhân sự Kelly Services với vị trí quản lý dự án công nghệ thông tin.

Ông cũng từng phục vụ 14 năm trong lực lượng dự bị Thủy quân lục chiến Mỹ và hai lần tới Iraq tham chiến, vào năm 2004 và 2006. Whelan hiện là Trưởng bộ phận an ninh giám sát các cơ sở của BorgWarner - một nhà cung cấp linh kiện ô tô có trụ sở tại Michigan, Mỹ. Ông cũng đã từng đến Nga nhiều lần vì công việc và có tài khoản trên mạng xã hội Nga giống Facebook. 

Whelan bay tới Mátxcơva vào ngày 22-12-2018 và ở tại khách sạn Metropol. Khi không thấy Whelan đến dự đám cưới, cô dâu chú rể liền trình báo nhà chức trách Nga về việc ông này mất tích. FSB sau đó thông báo về việc bắt giữ Whelan, và gia đình Whelan biết về việc ông bị bắt giữ thông qua các phương tiện truyền thông. 

Bí mật đằng sau việc Nga bắt giữ công dân Mỹ nghi làm gián điệp ảnh 2Maria Butina - công dân Nga bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp

Hé lộ nguyên nhân

Vụ bắt giữ Whelan diễn ra 15 ngày sau khi công dân Nga Maria Butina bị cáo buộc làm gián điệp đã nhận tội tại tòa án liên bang Mỹ về việc tìm cách xâm nhập vào giới chính trị và có ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với Nga. 

Sự gần gũi về mặt thời gian của hai vụ việc nêu trên đã khiến các cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ suy đoán rằng việc bắt giữ Whelan, dù là gián điệp hay không, là sự trả đũa của Chính phủ Nga đối với vụ truy tố Butina. Trước đó, Butina khăng khăng mình vô tội và khẳng định cô là một sinh viên nước ngoài quan tâm đến việc thúc đẩy cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ. Các quan chức Nga nói rằng họ coi cô là một tù nhân chính trị, không làm gì sai trái và bị nhắm đến vì các động cơ chính trị. Theo Hãng thông tấn Nhà nước Nga TASS, nếu bị kết tội, Whelan có thể phải chịu án phạt từ 10-20 năm tù giam. 

Nhận định về việc Nga bắt giữ Paul Whelan, cựu Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Mátxcơva, ông Daniel Hoffman cho rằng, vụ bắt giữ này không phải mới được lên kế hoạch mà đã được tính trước ngay sau khi Butina bị bắt và nhằm răn đe các động thái trong tương lai của Mỹ chống lại các công dân Nga.