Bí mật đằng sau bức chân dung của lãnh tụ Lenin

ANTD.VN - Năm 2013, trong quá trình chuẩn bị phục chế bức chân dung của lãnh tụ Vladimir Lenin, các chuyên gia phát hiện dưới lớp sơn ở mặt sau của bức tranh ẩn giấu chân dung của Nicholas II, vị Sa hoàng cuối cùng của nước Nga. 

Chân dung của Lenin (phải) và Nicholas II (trái) được vẽ trên 2 mặt của một tấm vải vẽ

Hiện bức tranh hai mặt duy nhất trên thế giới đã được phục chế và được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng ở Saint Peterburg từ đầu tháng 12-2016. Dưới thời Xô viết, tại phòng khánh tiết Trường phổ thông số 206 ở Saint Peterburg có treo bức tranh chân dung của lãnh tụ V.I. Lenin do họa sĩ Vladislav Izmailovich vẽ năm 1924. V. Izmailovich vẽ chân dung Lenin từ  bức ảnh chụp năm 1918 bên tường Điện Kremli. Nhưng, trong bức tranh của mình, ông đã vẽ Lenin mà trên nền của pháo đài Petropavlovskaya ở Saint Peterburg. 

Khám phá bí mật sau gần 100 năm

Bức chân dung không xuất sắc về mặt nghệ thuật, nhưng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đó nên được treo trong trường học. Năm 1970, trong lúc nô đùa, một học sinh đã làm rách một miếng ở phía dưới bức tranh. Do không có kinh phí phục chế, vết rách được bịt bằng miếng vải mỏng. Và, bức tranh vẫn được treo trong tình trạng này suốt hơn 40 năm.  

Năm 2013, chân dung của Lenin được gửi đến Học viện Nghệ thuật mang tên Stieglitz để phục chế. Trong quá trình nghiên cứu bức tranh, các chuyên gia phục chế phát hiện trên bức tranh không chỉ có chân dung của Lenin. “Chúng tôi tiến hành các nghiên cứu cần thiết trước khi bắt đầu công việc. Phim X-quang cho thấy, chân dung của Nicholas II được vẽ ở mặt bên kia của bức tranh. Chúng tôi rất sửng sốt” - Tatiana Potseluyeva, người phụ trách việc phục chế nói. 

Đây là bức tranh hai mặt duy nhất trên thế giới, 2 họa sĩ đã vẽ chân dung của 2 nhân vật khác nhau ở mỗi mặt của một tấm vải vẽ. Chân dung của Nicholas II, vị Sa hoàng cuối cùng của nước Nga nằm dưới lớp sơn dày ở mặt trái của bức chân dung của lãnh tụ Lenin. Các nhà phục chế đã phải tỉ mỉ gỡ bỏ lớp sơn phủ trên chân dung của Nicholas II từng centimet một. 

Không thể tách được 2 bức chân dung

Cùng tham gia công tác phục chế còn có các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu. Theo các chuyên gia này, bức chân dung của Nicholas II được họa sĩ người Nga Ilya Galkin vẽ vào năm 1896 - năm đăng quang của vị Sa hoàng này. Sau khi hoàn thành, bức chân dung của Nicholas II được đưa đến treo ở trường Petrovsky, nơi đào tạo học viên các ngành thương mại và công nghiệp. Trong bức tranh, Sa hoàng Nicholas II mặc trang phục nghi lễ - bộ quân phục màu đỏ có gắn những chiếc huân chương.  

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, cũng ngay trong năm 1917, họa sĩ V. Izmailovich đã phủ lên bức chân dung của Nicholas II lớp sơn dày - loại sơn tan trong nước và 7 năm sau, vẽ chân dung của Lenin ở mặt trái của bức tranh này. Sau đó, bức tranh được đưa đến treo ở Trường phổ thông số 206. 

Phát hiện này gây ngạc nhiên ở chỗ, trên 2 mặt của bức tranh là chân dung của 2 nhà lãnh đạo nước Nga, một người bị tước bỏ quyền lực vào năm 1917, còn người kia bắt đầu xây dựng nước Nga mới cũng vào năm đó. Đặc biệt, còn khá nhiều chi tiết khác gây chú ý như chân dung của Lenin được vẽ trên nền của pháo đài Petropavlovskaya, nơi chôn cất hài cốt của Nicholas II sau này. Chân dung của Nicholas II được phát hiện vào năm 2013 - năm kỷ niệm 400 năm lên ngôi của dòng họ Romanov… 

Theo các chuyên gia phục chế, 2 bức chân dung này không thể tách ra được dù có sử dụng công nghệ hiện đại. Theo ông Vasily Kichedzhi, quyền Giám đốc Học viện Stieglitz, đây không đơn thuần chỉ là một bức tranh, mà là số phận của nước Nga. Bức tranh hai mặt duy nhất trên thế giới đã được phục chế và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng thuộc Học viện Stieglitz ở Saint Peterburg từ ngày 1-12-2016.