Bị mài mòn cảm xúc: Người trẻ dễ dính tội tày đình

ANTĐ - Hàng loạt các trọng vụ án gần đây với thủ phạm là thanh niên khiến nhiều người băn khoăn về sự hiểu biết của giới trẻ. Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, chính sự vô cảm, ích kỷ đã làm mất lý trí, lấn át hiểu biết, khiến nhiều thanh niên phạm tội. 
Bị mài mòn cảm xúc: Người trẻ dễ dính tội tày đình ảnh 1

Sự vô cảm, thiếu sự quan tâm của gia đình dẫn đến nhiều thanh niên vào vòng lao lý
(Trong ảnh: Nhóm thanh niên phạm tội cướp giật tại TP. HCM bị đưa ra xét xử tháng 9-2014)

Sống “chụp giật”

Nhận định về vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước mà thủ phạm là 2 thanh niên tuổi đời rất trẻ (24 tuổi), GS-TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho biết, có thể thấy được sự xuống cấp của xã hội, nền tảng đạo đức đang bị xói mòn. “Một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang lạc lối. Có thể nhận thấy đa phần tội phạm đều lớn lên trong gia đình có khó khăn về kinh tế, cha mẹ bận rộn không có thời gian quan tâm, giáo dục con.

 Những đứa trẻ này lớn lên “như cây cỏ’’, tự nhận thức về xã hội, cái thiện, cái ác. Do đó, trẻ dễ nhiễm những thói hư tật xấu trong xã hội ’’ GS - TS Lê Thị Quý phân tích. Theo bà Quý, trong vụ án ở Bình Dương, thủ phạm khiến bà băn khoăn hơn cả lại là Vũ Văn Tiến - một người không có thù hằn gì với gia đình nạn nhân, chỉ nghe lời rủ rê của Nguyễn Hải Dương (hận thù vì bị ngăn cản tình yêu), hứa giết người sẽ có tiền mà cùng lên kế hoạch, tham gia hạ sát 6 người.

 “Hành vi đó chứng tỏ sự trống rỗng về cảm xúc, không nhận biết về tốt xấu của hung thủ. Không thể nói chúng không hiểu biết về luật pháp, không biết rằng giết người sẽ đền mạng nhưng vẫn cứ làm. Với hy vọng có thể kiếm được một khoản tiền lớn, thỏa mãn thú vui trong phút chốc. Còn tương lai ra sao mặc kệ’’ GS- TS Lê Thị Quý nhận định. 

Lý giải căn nguyên sự vô cảm này, GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên) chia sẻ, người Việt Nam từ lâu đã có truyền thống tôn trọng và yêu thương những người trong cộng đồng theo quan điểm “thương người như thể thương thân”.

Tuy nhiên ngày nay, xã hội phát triển theo kinh tế thị trường, con người thường đặt lợi nhuận lên trên, tôn vinh việc làm giàu cho bản thân, đề cao cái tôi giàu có. Lối sống đề cao cá nhân đã khiến con người dễ để cho phần “con”, phần thú tính lấn át đi phần “người”. “Khi đó người ta trở nên độc ác, chỉ biết nghĩ đến bản thân, sẵn sàng gây tội ác chỉ vì những lợi ích nhỏ bé. Điều này khiến không ít thanh niên đã không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Yêu không được thì trả thù, kiếm không được thì đi cướp. Đây là một hiện tượng sai lệch lớn mà chúng ta vẫn chưa chỉnh sửa đến nơi đến chốn” - GS - TS Đặng Cảnh Khanh nói.

Học từ nhà ra ngõ

GS - TS Lê Thị Quý khuyến cáo, cha mẹ đừng để đến khi con mình phạm tội mới ngạc nhiên, kinh hãi bởi hầu hết những tội ác tày trời đều có quá trình diễn tiến. Những đứa trẻ phạm lỗi nhỏ như cãi cọ, đánh nhau với bạn, ăn cắp vặt nhưng nếu gia đình không phát hiện, không kịp thời uốn nắn thì sẽ đến lúc tội nhỏ thành tội lớn. Cha mẹ không làm gương cho con cái, cũng ăn cắp, dối trá thì con cũng sẽ sớm học theo. “Nền tảng gia đình phải vững chắc thì con cái mới không hỏng” - GS Lê Thị Quý khẳng định. 

Còn GS - TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng cần phải có những chế tài ràng buộc chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm giữa cha mẹ với con cái. Trước đây, nếu con cái phạm tội thì cha mẹ cũng bị xử lý, bị phạt tiền. Cộng đồng là người giám sát, thực thi trách nhiệm đó. Con hư thì bố mẹ phải phạt vạ, bị lên án. Điều đó khiến cho bố mẹ không lơi là trách nhiệm với con cái. Còn ngày nay, khi cái tôi cá nhân được đề cao thì gia đình cũng sớm tách khỏi cộng đồng.

Chức năng giáo dục trong gia đình cũng không còn được coi trọng. Cha mẹ bận rộn kiếm tiền hoặc dành thời gian cho các thú vui cá nhân còn con thì phó mặc cho người giúp việc hoặc “trăm sự nhờ thầy cô”. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ khi nghe tin con cái phạm tội tày đình còn không tin, cho rằng con tôi bị đổ oan… 

Phân tích quá trình “suy thoái” đạo đức của một bộ phận giới trẻ, PGS-TS Nguyễn Hồi Loan - giảng viên tâm lý (Khoa Xã hội học - trường Đại học KHXH&NV) lý giải,  đó là do họ đã đổ vỡ niềm tin vào cuộc sống. Những sự việc sai trái, những hành vi phạm pháp diễn ra hàng ngày nhưng lại không bị trừng phạt hoặc trừng phạt không thích đáng khiến các bạn trẻ “nhờn” luật pháp. Trong khi đó, không ít cha mẹ cũng “tiếp tay” cho hành vi xấu của con như giúp con gian lận thi cử, bắt nạt bạn bè…

Ngoài ra, các game bạo lực, phim, sách báo đầy rẫy những hình ảnh bắn giết cũng mài mòn cảm xúc của giới trẻ. Chúng thích dùng bạo lực để hành xử, thích gian lận để giành chiến thắng, thích phạm lỗi để thành kẻ mạnh, sau này có thể giết người mà không áy náy, phạm tội tày trời mà không sợ hãi bị trừng phạt… 

Đừng chỉ nuôi, mà không dưỡng
“Cần phải có các biện pháp để siết chặt hơn nữa trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Không thể để tình trạng chỉ sinh mà không dưỡng, chỉ nuôi mà không dạy như nhiều gia đình hiện nay. Trẻ em bị buông lỏng từ gia đình, thiếu giáo dục, thiếu sự quan tâm của bố mẹ thì ra ngoài đời sẽ sớm nhiễm các thói hư, tật xấu. Cha mẹ có hiểu con, theo sát con thì mới có thể phát hiện và ngăn chặn những suy nghĩ sai lầm của con” - GS-TS Đặng Cảnh Khanh.