Bị kỷ luật mà lại "xin nghỉ" vì lý do sức khỏe là không trung thực với dân

ANTD.VN - Dẫn lại việc thời gian qua có một số lãnh đạo là ĐBQH bị kỷ luật nhưng sau đó có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do “sức khỏe”, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy thẳng thắn cho rằng, cần phải kiểm tra xem có đúng họ xin nghỉ vì lý do sức khoẻ hay không…

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại Quốc hội

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 25-10, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang) góp ý, dự thảo luật quy định chính quyền địa phương ở phường gồm có HĐND và UBND là đúng nhưng mang tính xơ cứng.

“Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đổi mới các mô hình hoạt động ở quận, phường. Trước đây chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND ở một số đơn vị quận, phường, huyện rất thành công. Mới đây, thành phố Hà Nội cũng đang xin chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND ở phường” – ĐB Thủy dẫn chứng và đề nghị nên quy định theo hướng mở hơn.

“Tôi đề nghị luật nên có quy định theo hướng chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương được thực hiện theo một trong hai mô hình sau đây: Một là HĐND và UBND phường; Hai là Ủy ban hành chính phường. Có thể mở ngoặc "thí điểm. Như vậy, ngoài Hà Nội, sau này các tỉnh, thành phố khác có điều kiện cũng nên thực hiện thí điểm mô hình này” – ĐB Thủy nói.

Liên quan đến quy định tại Điều 101 của dự thảo Luật này về việc đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác, ĐB Nguyễn Thanh Thủy góp ý, khi có đơn của đại biểu, kể cả đại biểu HĐND cũng như ĐBQH, chúng ta nên có kiểm tra và rà soát có đúng vì lý do sức khoẻ hay không.

“Tôi thấy trong thực tế có nhiều đại biểu khi làm nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị công tác vì lý do gì đó, vi phạm pháp luật hay bị xử lý kỷ luật lại làm đơn xin thôi vì “lý do sức khỏe.

Đúng ra nên nói thẳng luôn, công khai, minh bạch và hết sức trung thực với tổ chức và với nhân dân rằng mình xin nghỉ là vì bị kỷ luật hay không còn xứng đáng tư cách đại biểu nữa, nếu vì lý do bị kỷ luật mà lại đưa vào đơn là vì lý do sức khoẻ thì không đúng. Đề nghị chúng ta nên kiểm tra, rà soát việc này, đại biểu không trung thực với nhân dân là không được” – nữ ĐBQH đoàn Hậu Giang nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên thảo luận sáng 25-10

Cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy cần thiết tăng thêm Phó Chủ tịch UBND xã loại 2 như Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.

Còn về số lượng Phó Chủ tịch của HĐND cấp tỉnh và Phó Trưởng ban các Ban của HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến ĐBQH thiên về phương án 1, chỉ có 3 ý kiến thiên về phương án 2, tức đa số ĐB kiến nghị nên duy trì ổn định cấp phó như hiện nay.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về việc giảm số lượng cấp phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh cần phải xin ý kiến bằng phiếu của ĐBQH, sau đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.