Bi kịch yêu lầm đau đớn của nữ sinh trung học

ANTĐ - Tôi gặp Thái Thị Hà ở Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội I Nghệ An trong một buổi chiều vần vũ. Em bảo, trời chiều cũng u ám như chính cuộc đời em vậy.

17 tuổi, em đã trao nhầm trái tim cho một người đàn ông đã có vợ con, nghe theo tiếng gọi của trái tim, em trốn gia đình về xuôi và cuộc đời em bắt đầu bước sang một trang mới đầy đau xót và nhục nhã kéo dài trong tuổi thanh xuân của em. Điều đó chỉ thực sự chấm dứt cho đến khi em vào được đây, được dạy cách xù mình trước cám dỗ và sống có ích hơn trong cuộc đời trần ai này.

Nhìn dáng em nhỏ nhắn, liêu xiêu trong nắng chiều, ngồi cô đơn một góc để số phận đùa giỡn, bất giác tôi thấy thương em vô cùng. 17 tuổi, em như bông hoa rừng bị hái sớm, số phận đẩy đưa khiến em phải quăng quật với cuộc sống vốn lắm cạm bẫy của xã hội khi chưa hề có một chút kiến thức nào về cuộc sống. Trong câu chuyện đời mình, qua phút bẽn lẽn ban đầu khi gặp người lạ, bờ vai của Thái Thị Hà liên tục run lên bần bật, em không hối tiếc với lứa tuổi 17 của mình khi trao trọn trái tim yêu cho người đàn ông em yêu, nhưng trong câu chuyện chát đắng mà em chia sẻ trong một buổi chiều bàng bạc nắng gió, cô sơn nữ miền sơn cước này đã không giấu được sự hối tiếc về những năm tháng đẹp nhất của đời người với ước mơ, hoài bão cháy bỏng cùng thầy bạn trên ghế nhà trường.

Tình đầu đau đớn

Thái Thị Hà sinh ra trong một gia đình có đến 7 người con ở một bản người Thái thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An). Hà là con thứ 7 trong gia đình. Người xưa vẫn thường bảo giàu con út, khó con út nên dẫu gia đình có gặp khó khăn, mặc cho anh chị của Hà chẳng ai bước nối tới lớp vỡ lòng để phân biệt được cái mặt chữ thì em vẫn được đến trường đầy đủ như bao bạn cùng trang lứa. Nhà cách xa trường hàng chục cây số đường rừng nên cũng giống như nhiều nữ sinh khác của huyện biên giới này, Thái Thị Hà đã phải thuê trọ gần trường để đèo bòng với cái chữ.

Em như bông hoa giữa núi rừng hoang sơ, từ nhỏ đến lớn chưa từng rời khỏi bản, suốt ngày chỉ biết đến lên rẫy làm nương, gùi củi giúp pá mế (bố mẹ). Cũng chính bởi vậy mà ngày khăn gói xuống phố núi trọ học, chưa đầy năm học, Hà đã nhanh chóng thoát xác, phổng phao và xinh đẹp. Ở lứa tuổi đẹp nhất của đời con gái, em đã khiến cho không ít chàng trai trong trường phải xao xuyến. Nhưng bi kịch đến với cô bé nữ sinh trung học lớp 11 trong một mùa hè nóng bỏng của miền rừng Tương Dương, khi em vừa chuẩn bị kết thúc một kỳ nghỉ hè để trở lại trường thì bước ngoặt lớn đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời em.

Thái Thị Hà nhớ lại, ngày ấy gia đình em đón hai vị khách lạ từ miền xuôi ngược rừng lên buôn gỗ. Vì pá em cũng làm gỗ, nhà em lại thuộc dạng khang trang nhất nhì bản nên hai ông lái buôn đã đến nhà em tá túc để tìm mối lái. Người dân tộc Thái vốn xởi lởi và hiếu khách, cũng không riêng gì hai vị khách này mà từ trước tới nay vẫn thế, người miền xuôi lên tá túc đều được tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng với gia đình và đặc biệt là bản thân Hà thì đợt này lại khác, hai vị khách, một già, một trẻ (nói là trẻ nhưng thật ra cũng đã ngoài 30 tuổi) đã làm thay đổi cuộc đời vốn dĩ bình yên của cô bé nữ sinh khờ khạo.

Người đàn ông trẻ ấy có tên là Phượng, quê ở huyện miền biển Diễn Châu. Dáng người cao to, vạm vỡ cộng với chút kiến thức hiểu biết và cả sự ga lăng, quan tâm đúng lúc đã nhanh chóng làm cho trái tim của Thái Thị Hà loạn nhịp. Trọn 10 ngày ở gần nhau, có cảm tình với nhau nhưng cả cô bé trung học ngây thơ và anh chàng tên Phượng ấy chỉ dám len lén nhìn nhau, sự ngăn cách ấy càng làm cho mối tình vừa mới nhen nhóm thêm thắm đượm.

Cho đến một ngày, khi công việc của buôn chuyến kết thúc, ngày về xuôi đã định thì Phượng quyết định thổ lộ tình cảm với Hà. Sau một chầu nhậu chia tay lúy túy, Phượng và Hà bí mật hẹn hò nhau ra sau vườn đồi tâm sự. Cũng không khó để cho gã chinh phục một trái tim non nớt vừa chớm vị yêu đương, thậm chí khi thấy cô bé quá say mình, gã đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo để cùng nhau về dưới xuôi nuôi giấc mộng trăm năm.

Bi kịch

Ngày hai vị khách về xuôi, bố mẹ Hà cũng lên nương từ sớm. Họ cũng không mảy may nghi ngờ khi cô con gái duy nhất đã gói ghém sách vở xuống thị trấn học chữ. Có ai ngờ rằng, đó cũng là chuyến đi định mệnh của con gái mình, bởi vị khách kia sau khi ra khỏi làng đã đợi sẵn Thái Thị Hà rồi hai người bắt chuyến xe về Vinh lúc nửa đêm.

Cũng từ đấy, cuộc đời Hà đã rẽ sang một hướng khác, đau đớn và xót xa. Thái Thị Hà nhớ lại, xe dừng ở Vinh, Phượng đã thuê ngay một nhà nghỉ bình dân ở phía sau bến xe Vinh và việc đầu tiên gã làm là... chiếm đoạt đời cô bé. Sống vật vờ với nhau ở Vinh được mấy ngày thì gã dắt Hà về thị trấn Diễn Châu, cách quê gã chừng 10km, thuê phòng và gần như giam lỏng Hà ở đấy. Cho đến một ngày, trái tim hạnh phúc của cô bé 17 tuổi như vỡ vụn khi chính Phượng thú nhận, gã đã có vợ con ở quê, và chuyến đi hôm nay là gã muốn bù đắp lại tình cảm cho Hà.

Đến lúc gã ngỏ ý muốn đưa Hà trở lại phố huyện Tương Dương để tiếp tục học hành thì em đã vùng dậy, xô ngã gã rồi cứ thế lao vào màn đêm mịt mùng trong nỗi đau bị phụ tình. Lần đầu tiên đặt chân xuống phố thị cũng là lần đầu nếm trải nỗi đau tình phụ, đôi chân vốn quen với lội suối, trèo đèo của Thái Thị Hà cứ thế bước những bước đi vô định. Nghiệt ngã thay, trong vô thức em đã lại một lần nữa rơi vào tay của những kẻ bất lương, cầm mấy đồng tiền lẻ, em dật dờ bước đến hỏi thăm đường ra bến xe để về quê thì em gặp mấy gã xe ôm.

Thấy Hà, một trong số những kẻ ấy đã mắt sáng long lanh, kêu em lên xe sẽ chở ra bến. Tưởng gặp phải người tốt, em không ngần ngại leo lên xe. Thay vì chở ra bến, gã tài xế này đã đưa tuột em vào một quán nhậu ven biển Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Phận gái, một khi đã lạc bước vào “thiên đường sung sướng” này thì coi như đã trao thân mình cho ác quỷ bởi từ lâu, Diễn Thành là bãi biển mại dâm khá nổi trên đất Nghệ. Số phận của thiếu nữ miền sơn cước Thái Thị Hà cũng không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã đó.

Bị bán rẻ vào một nhà hàng ven biển (mà thực chất là một điểm mại dâm trá hình) buổi chiều thì ngay tối hôm ấy, Hà bị ép bán dâm. Sức cùng, lực kiệt, lại quá đau đớn sau những gì mà gã người tình kia mang lại, em đã buông xuôi tất cả cho số phận. Hà nhớ lại, thực ra trong một hoàn cảnh mà bản thân không có quá nhiều sự lựa chọn ấy, em cũng không ý thức được những nỗi đau, điều duy nhất ngự trị tâm trí em là có một chỗ dung thân. Từ đấy, như phận bạc của biết bao cô gái “bán hoa” khác, dẫu là tự nguyện hay bị ép buộc, Thái Thị Hà gần như quen với việc của một gái bán hoa.

Từ bấy đến nay, cũng không thấy “người yêu” của em đến tìm. Hà nói: “Có lẽ anh ấy không biết em dạt ra đó, bởi em tin nếu biết anh ấy sẽ đi tìm. Anh ấy rất tốt với em, có chăng là vì trách nhiệm với gia đình nên không thể chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Những gì anh ấy dành cho em là chân thật”.

Niềm tin tình yêu của một cô gái bị người tình phụ rẫy bất giác gợi cho tôi cảm giác vừa giận vừa thương. Người ta bảo, khi yêu, mọi điều đều tốt đẹp. Trong mắt cô gái trẻ mang bi kịch đau đớn của sự yêu lầm, phụ rẫy trong tình cảm cũng có cái lý của nó, và đó cũng là niềm tin sau cùng để cô thứ tha cho một cuộc tình trái khoáy, dẫu có nhiều đau đớn và xót xa.

Ngày về mở lối

Có lẽ cuộc đời Thái Thị Hà sẽ gắn chặt với những cuộc bán mua thân xác nơi bãi biển Diễn Thành lắm sóng nhiều gió này nếu như không có một ngày, ngày mà với nhiều người thì vận đen nhưng với Hà đó lại là ngã rẽ, là chút may mắn còn lại của cuộc đời. Trong một lần tổ chức truy quét gái bán dâm, cô đã bị công an bắt khi đang bán dâm cho khách làng chơi và được đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I Nghệ An. Tại đây, Hà đã được ăn bữa cơm ấm áp tình người, được chăm sóc và quan trọng hơn là được học nghề và dạy những kỹ năng cơ bản về cách chống lại sự trớ trêu đến nghiệt ngã của số mệnh. Hà tâm sự: “Khi nào được về, chưa biết có được chấp nhận hay không nhưng việc đầu tiên em mong muốn là được hoàn thành xong chương trình phổ thông. Em tin, lối về của em sẽ bớt chông gai bởi em đã là một con người khác, ngay từ khi bước chân vào đây”.

Nhìn cô bé tự tin trước lối đi của tương lai, tôi cũng thấy vui lây và ấm lòng hơn. 18 tuổi đời nhưng đã tích luỹ được những bài học xót xa về nhân tình thế thái, tôi tin rằng những gì Hà đang cố vun vén cho tương lai là điều hiện hữu. Mai này, khi được trở về, nhất định em sẽ sống tốt, sẽ kiếm một cái nghề tử tế để không phụ rẫy lại lòng tin của mọi người dành cho mình. Có một điều mà Hà không chia sẻ, nhưng cán bộ trung tâm đã tiết lộ cho tôi biết trước khi rời khỏi mái ấm này, bố mẹ Hà vừa từ quê đến thăm và động viên con. Sau một thời gian dài đến khắp nơi, khắp chốn tìm con, khi biết Hà đang được giáo dưỡng trại trung tâm, họ vội vã tìm đến để động viên con sống tốt. Chính bởi những điều đó mà tôi luôn tin, Thái Thị Hà sẽ rũ bỏ quá khứ buồn để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.