Bi kịch vì của hồi môn

ANTĐ - Tốt nghiệp khóa đào tạo nữ điều tra viên lớn nhất của cảnh sát New Delhi (Ấn Độ), nữ cảnh sát Preeti Dhaka 25 tuổi từng tham gia phá nhiều vụ bạo lực, cưỡng bức phụ nữ. Nhưng người phụ nữ tưởng chừng rất mạnh mẽ này đã không vượt qua được những bất công thường thấy trong gia đình Ấn Độ, cô đã quyết định quyên sinh, mà nguyên nhân xuất phát từ người chồng độc đoán, tham lam.

Preeti Dhaka trong buổi tốt nghiệp năm 2011 và trong lễ cưới cuối năm 2012

Nỗi buồn giấu kín

Preeti Dhaka nhập trường Đại học Cảnh sát Delhi tháng 12-2010 khi các vụ hiếp dâm trong thành phố ngày càng gia tăng. Khóa học là một phần chiến lược xây dựng lực lượng nữ cảnh sát hùng mạnh của Sở Cảnh sát của Delhi. Dhaka cùng các học viên nghiên cứu luật liên quan đến các tội ác mà phụ nữ là nạn nhân. Với họ, những chủ đề đưa ra bàn luận hầu hết là nhạy cảm, khó nói, chẳng hạn như giao cấu là gì, thế nào là hiếp dâm, khi nào thì không phải là hiếp dâm… Tháng 12- 2011, Dhaka cùng với 342 học viên khác tốt nghiệp. Cô cùng với 67 bạn gái khác trong lớp được tung vào các đồn cảnh sát New Delhi, bước đầu là 1 năm thực tập làm điều tra viên.

Trong năm đầu tiên, Preeti Dhaka theo các vụ hiếp dâm, quấy rối, trong đó có cả vụ một kẻ cố ép buộc người vợ tuổi vị thành niên của mình làm gái mại dâm. Ngày 16-12-2012, vụ cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh viên trên chiếc xe buýt ở New Delhi thổi bùng sự chú ý của dư luận Ấn Độ và quốc tế. 6 gã đàn ông đã tra tấn, hãm hại cô gái, khiến nạn nhân chết vì thương tích quá nặng vài tuần sau đó. Hàng nghìn người đổ ra đường để đòi thực thi công lý. Chưa bao giờ dân chúng Ấn Độ lại lên tiếng bênh vực phụ nữ rầm rộ đến vậy.

Thời điểm đó, nữ cảnh sát Preeti Dhaka mới kết hôn được hơn 1 tháng. Sau một ngày làm nhiệm vụ giữ trật tự biểu tình vào đêm giao thừa năm mới 2013, cô đã viết dòng tâm sự: Người chồng mới của cô do không hài lòng với món của hồi môn của gia đình cô đã “rủa” cô chết. Sau này, các đồng nghiệp cho biết, Dhaka luôn sốt sắng trong việc đấu tranh bảo vệ phụ nữ nhưng chưa bao giờ cô thổ lộ với họ về những áp lực từ chính chồng cô.

“Ải” truyền thống cổ hủ

Tháng 2-2012, mẹ Preeti Dhaka bắt đầu nói chuyện hôn nhân cho con gái với gia đình có một con trai là Sunil Mund, một sĩ quan thuộc lực lượng an ninh biên giới. Đôi trẻ đính hôn vào tháng 4, sau đó họ thường xuyên trò chuyện với nhau qua điện thoại. Mùa xuân năm ấy, cô Dhaka rất bận với loạt vụ điều tra hãm hiếp, bắt cóc và công việc khác ở đồn cảnh sát. Tháng 6-2012, người chồng chưa cưới muốn Dhaka đến thăm anh ta tại bang Rajasthan khi chuẩn bị một kỳ thi công vụ. Dù đang theo đuổi một vụ lớn, cô cuối cùng đã phải thu xếp và đồng ý ở lại trong một khách sạn với anh ta.

Khoảng 1 tháng trước đám cưới, Sunil Mund nói với Dhaka rằng có đồng nghiệp đã nhận được của hồi môn từ nhà gái là xe hơi và căn hộ, anh ta cũng muốn như thế. Cùng ngày, chú rể tương lai cũng gọi điện cho mẹ Dhaka rằng anh ta muốn có một chiếc xe hơi. Cô giáo già góa bụa, mẹ Dhaka nói rõ rằng bà chỉ có thể mua sắm đồ dùng gia đình, tủ lạnh và tivi màn hình phẳng cho vợ chồng con gái. Sau đó, Mund có gọi điện lại và xin lỗi. Đôi trẻ kết hôn trong tháng 11.

Nhưng trong những dòng tâm sự mà Dhaka viết hôm 31-12 nói trên, cô viết chồng mình đã nói thẳng rằng: “Nếu cô không còn trên thế giới này, tôi sẽ chẳng phải buồn gì. Sao cô không làm như vậy để tôi có thể tự do và tái hôn?”. Dhaka cho biết em gái của chồng cũng bảo cô phải đưa nhiều hồi môn hơn và mẹ chồng cũng bênh con trai vì chuyện này.

Những lời tuyệt mệnh

Dùng quà cưới để gây sức ép cho cô dâu hoặc gia đình cô dâu là trái với đạo luật được thông qua năm 1961 ở Ấn Độ. Theo truyền thống, gia đình nhà gái thường phải tặng những món quà đắt tiền để tiễn con đi lấy chồng. Mặc dù đã có luật nhằm chấm dứt việc lạm dụng của hồi môn, nhưng do chồng hoặc gia đình nhà chồng cho rằng khoản hồi môn quá nhỏ nên phụ nữ thường trở thành nạn nhân của bạo lực. Theo số liệu thống kê tội phạm của chính phủ nước này, năm ngoái gần như mỗi giờ có một phụ nữ Ấn Độ bị giết vì của hồi môn.

Đầu tháng 1-2013, Dhaka đến thăm chồng đang huấn luyện tại bang Gujarat. Ngày 12-1, thi thể cô được phát hiện sau khi cô treo cổ bằng một chiếc khăn trên quạt trần tại nơi ở của chồng. Mund, mẹ và em gái anh ta đều đang chờ xét xử do cáo buộc đối xử tàn ác và gây áp lực khiến Dhaka phải tự tử. Trong bức thư tuyệt mệnh mà gia đình Dhaka nộp lại cho cảnh sát, sau này được cơ quan điều tra xác định là bản khai hợp pháp, cô có viết rằng khi ép gia đình cô phải mua nhà và xe, chồng cô dọa: “Nếu không chu cấp những thứ đó, tôi sẽ làm cho cô xấu hổ, không dám vác mặt tới đâu và tôi sẽ giết cả nhà cô”. Cô cho biết anh ta đã lấy chuyến đi mà họ ở cùng nhau trước khi kết hôn để khống chế cô. 

Đến nay, mẹ Dhaka vẫn đấu tranh cho cái chết của con gái mình. “Tôi không dạy con gái mình phải gánh chịu những điều đó, sao nó lại chịu như thế?”, người mẹ đau đớn nói.