Bi kịch và tình yêu diệu kỳ ở... "xóm AIDS"

ANTĐ - Xóm Đá Bạc (xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) tuy chỉ cách Hà Nội hơn 40 km nhưng gần như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Phần vì đường đi Đá Bạc ngoằn ngoèo, quanh co. Phần vì nơi đây từng có lúc tưởng như đã bị cơn bão HIV - AIDS xóa xổ. Thế nhưng “miền đất dữ” này  vẫn gượng đứng lên, với những kỳ diệu không ai ngờ tới. 

Câu lạc bộ cùng chia sẻ của những người bị AIDS xóm Đá Bạc

Kinh hoàng kết quả cuộc “đại xét nghiệm”

Sẽ chẳng mấy ai biết đến cái tên Đá Bạc nếu cơn bão HIV không tràn về xóm núi nghèo khó này biến nơi đây thành nơi có tỉ lệ người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Một xóm nhỏ, nghèo khó với đa phần là người dân tộc Mường sinh sống bình yên bao năm bỗng quằn quại, đau đớn khi những bản kết quả xét nghiệm  dương tính với virus HIV bị phát hiện. Cuộc “đại xét nghiệm” đưa ra một con số kinh hoàng: gần 1/10 dân số thôn nhiễm HIV. 

Năm 2003 đã trở thành một mốc lịch sử đau thương đối với người dân Đá Bạc khi có hàng loạt gia đình phải chịu cảnh tang tóc vì HIV. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn xót xa: Sự việc bắt đầu vào khoảng cuối năm 1999, đầu năm 2000. Người dân ở Đá Bạc phần lớn là người Mường chỉ sống bằng nghề nông và đi làm thuê mướn khi đến mùa vụ thế nhưng, nhiều thanh niên trong làng bỏ học lại ham muốn nhanh chóng đổi đời đã  đi theo những người ở tận trong Quảng Nam, Đà Nẵng về bản tìm kiếm nhân lực đi khai thác vàng. Hàng chục thanh niên trai tráng của Đá Bạc kéo nhau đi làm thuê cho các chủ Bưởng với lời hứa hẹn về tiền bạc mà làm cả đời họ cũng không dám mơ đến.

Cuộc sống của phu đào vàng cực khổ trăm bề, không có chỗ ăn ở sạch sẽ, nguồn nước ô nhiễm. Những tay chủ Bưởng thay vì thực hiện những lời hứa hẹn lại ra sức bóc lột sức lao động của các anh. Chỉ vài năm, tất cả họ thất thểu cầm số tiền ít ỏi trở về dưới hình dạng gày gò ốm yếu, chỉ còn da bọc xương. Và điều nguy hiểm hơn là họ đã mang về xóm núi yên bình kia  mầm họa HIV - AIDS.

Và sự việc chỉ bị phát hiện khi hơn 10 thanh niên đi khám nghĩa vụ quân sự bị trả về vì dương tính với virus HIV. Cả thôn bàng hoàng khi các cấp chính quyền quyết định tổ chức vận động và triệu tập tất cả những người có quan hệ với nhóm thanh niên đi làm ăn xa ở Đá Bạc xét nghiệm. Kết quả cuộc “đại xét nghiệm” khiến nhiều người kinh hoàng, tới 35 người được xác nhận đã nhiễm HIV. Đau xót hơn khi trong số đó có cả những phụ nữ trẻ mới 18, đôi mươi và cả những em bé sơ sinh không may bị lây căn bệnh thế kỷ từ chồng, cha.

Đá Bạc chỉ có hơn 80 hộ dân mà có tới 27 hộ có người nhiễm AIDS, có những gia đình, cả ba anh em đều nhiễm HIV. Trong số những người nhiễm HIV, cũng có những người đua đòi, không thoát được khỏi cám dỗ nhưng cũng có những người bị lây nhiễm mà không hề biết vì họ đã dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm phòng sốt rét. Mộng thoát nghèo đâu không thấy, chỉ thấy những bi kịch của mộng làm giàu, đau thương và chết chóc.

 Cả xóm nhỏ chìm trong bầu không khí tang thương. Liên tiếp sau khi vụ việc bị phát hiện, tháng nào Đá Bạc cũng có người chết vì HIV. Những nấm mộ người bị AIDS cứ thế lần lượt mọc lên dọc theo con đường mòn dẫn vào làng. Nhưng điều khiến Đá Bạc tưởng như bị xóa xổ không phải chỉ là cơn bão HIV mà chính là sự kỳ thị ghẻ lạnh đối với những người nhiễm HIV và cả với những người thân của họ. Hễ đi đâu người ta nghe nói đến từ dân Đá Bạc là bị xa lánh, xua đuổi. Nhiều người ác miệng định đuổi hết số người có HIV về Đá Bạc để cô lập như một hòn đảo không có sự tiếp xúc với bên ngoài. Đã có lúc, nơi đây trở thành địa ngục khi con người mất hết niềm tin vào nhau.

Hai anh em cùng bị nhiễm HIV trong một gia đình

Tột cùng nỗi đau từ sự kỳ thị

Trong số những hộ có người nhiễm HIV được ghi nhận ở Đá Bạc, đáng thương nhất là gia đình bà Biên. Gia đình bà có 3 người con trai. 2 cậu đầu vốn nổi tiếng ngoan ngoãn, chăm chỉ, mạnh khỏe được mọi người quý mến khi về đã trở thành thân tàn ma dại chỉ sau hơn 1 năm đi làm bãi vàng. Người con thứ 2 của ông bà chính là chàng trai bị trả về khi đi khám nghĩa vụ quân sự. Trong vòng 2 năm từ khi phát hiện, hai anh em lần lượt qua đời khi mới vừa đôi mươi. Càng đau đớn hơn nữa, từ khi hai anh chết, cậu em út đâm ra chán nản không chịu học hành, cả ngày chỉ như một cái bóng vô hồn, không giao lưu, tiếp xúc với bất cứ ai. Cũng từ đấy, hai ông bà trở thành lao động chính trong gia đình.

Lau những giọt nước mắt đang rỉ ra nơi khóe mắt, bà Biên nhớ về những ngày tháng sống trong sự kỳ thị, tủi nhục: “Ngày ấy, vợ chồng tôi và các con đâu đã biết HIV - AIDS là gì. Chỉ nghe người ta nói đấy là căn bệnh của những kẻ nghiện ngập, chích hút, chơi bời. Bệnh dễ lây và không có thuốc chữa. Cuộc sống lúc đó như trong địa ngục. Cả gia đình tôi sống trong kỳ thị của xóm làng. Họ tránh những người bị nhiễm đã đành, đằng này xa lánh luôn cả những người sống trong gia đình có người nhiễm HIV. Khi nhà tôi ra đường, người làng tránh như tránh hủi ấy. Ngay cả đi làm nông cũng không ai dám lại gần cho chúng tôi đứng vì sợ lây”.

Ông Túc (người dân xóm Đá Bạc) kể lại: “Đó là khoảng thời gian mà không người dân nào ở cái thôn Đá Bạc có thể quên được. Có những người đi làm thuê mà không dám vào nhà để lấy tiền công, nhận tiền còn phải lấy túi bóng, khăn cuốn nhiều lớp vì sợ lây. Rau, củ, quả của những người bị HIV bán chẳng ai mua. Có người phát điên vì nuôi cả đàn gà nhưng vì bị HIV nên không ai mua. Đàn gà cứ thế ngày một phát triển, đến mức không đủ thức ăn cho chúng ăn. Nhiều người đến nhà có đám thì bịt mồm, bịt miệng đưa phong bì rồi về thẳng chẳng ở lại hỏi han, chia sẻ.

Có nhà nằm ngay cạnh nhau thì bịt cửa sổ, thông hướng khác để đi lại. Họ còn không dám nói chuyện với những người sống cùng nhà với các bệnh nhân nhiễm HIV. Chính sự ghẻ lạnh, kỳ thị như không phải giữa con người với con người như thế mà có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV ở Đá Bạc nghĩ đến chuyện tự tử. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Quyết một bệnh nhân bị lây nhiễm từ người chồng. Khuôn mặt khắc khổ, dáng gầy gò, xiêu vẹo biến người phụ nữ mới ngoài 30 này như đã gần 60.

Góa một đời chồng, chị và con gái riêng tưởng như tìm được bến đỗ tình yêu với chàng trai mới trở về từ bãi vàng trong Quảng Ngãi. Nhưng từ ngày lấy nhau, anh ngày càng ốm yếu. Chị gom góp được vài đồng đưa anh đi khám ở bệnh viện tỉnh. Và anh được xác định nhiễm HIV, chị cũng đã bị lây nhiễm, bé trai con của anh chị mới 3 tháng tuổi đã qua đời. Ít lâu sau, anh cũng bỏ chị sang thế giới bên kia. Một mình chị phải đối diện với sự kỳ thị của làng xóm.

Chị không còn có cả cơ hội để kiếm tiền nuôi con. Không ít lần chị đã muốn tự tử nhưng vì đứa con gái còn quá nhỏ, chị vẫn kiên cường quyết tâm. Giờ đây chị đã trở thành một người tuyên truyền về căn bệnh AIDS này. Nhờ sự tuyên truyền của chị, nhiều người cũng dần xóa bỏ sự kỳ thị và mặc cảm khi đã hiểu hơn về HIV - AIDS. Chị Quyết còn kể cho tôi nghe về câu chuyện tình yêu của một cặp vợ không bị  HIV lấy chồng bị HIV. Và lạ lùng thay, cuộc sống vẫn có những câu chuyện cảm động, kỳ diệu đến khó tin.

Điều kỳ diệu của tình yêu

Người phụ nữ dũng cảm ấy là chị Nguyễn Thị Hương. Một người nhiễm HIV và một người bình thường yêu thương nhau và kết hôn với nhau thật không dễ dàng gì. Chị Hương và anh Chung quen biết nhau vì cùng làm thuê tại một nơi. Ban đầu, chị Hương hoàn toàn không biết anh Chung đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Quý anh Chung ở đức tính thật thà, chịu khó rồi chị Hương đem lòng yêu anh lúc nào không hay. Nhưng khi tình cảm đã sâu nặng thì cũng là lúc anh Chung lấy hết can đảm để thú nhận với người yêu về căn bệnh của mình.

Nghe tin như sét đánh bên tai. Biết bao dự định cho tương lai chung giữa hai người mà chị bỗng chốc như vụt mất. Chị Hương rơi vào tuyệt vọng, còn anh Chung dù khi nói ra là đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho mọi chuyện nhưng anh vẫn không thể không đau lòng trước sự suy sụp của người yêu. Nhưng rồi, có mơ anh cũng không tin là sau những phút giây choáng váng, sau những ngày vật vã, giằng xé, chị Hương vẫn quyết tâm đi cùng anh tới hết cuộc đời. 

Không lâu sau họ làm đám cưới. Nghĩ về những ngày đã qua, chị Hương vẫn cảm thấy bùi ngùi: “Tủi thân lắm. Quyết định lấy anh Chung em đã giấu tình trạng bệnh tật của anh ấy không cho gia đình và người thân của mình biết. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, ai ngờ… Một ngày trước khi cưới ai đó đã nói hết bệnh tình của anh Chung cho bố mẹ em biết. Thế là bố mẹ em gọi em vào chửi mắng nhiều lắm. Rồi ông bà tức tốc mang cau trầu đến trả nhà trai. Bố mẹ em còn bảo nếu quyết định lấy anh Chung thì bố mẹ coi như chưa từng có em trên đời”.

Thế sau đó em làm gì? - “Em quỳ xuống van xin bố mẹ nhưng bố mẹ nhất quyết không đồng ý. Hôm đó em bỏ trốn sang nhà chú rể và đám cưới chỉ được tổ chức bên nhà trai thôi. Không có một ai của nhà em đến cả. Sau này em nghĩ mọi chuyện đã rồi chắc bố mẹ sẽ bỏ qua cho vợ chồng em nên em dẫn chồng em về. Vừa về đến ngõ, bố mẹ em đã đuổi hai vợ chồng em không thương tiếc thế là lại dắt nhau ra về”.

Những ngày tháng u ám ấy rồi cũng qua. Với tình yêu và sự can đảm cảm của mình, chị Hương đã giúp anh Chung lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Anh chị đã có một mái ấm hạnh phúc và một đứa con trai kháu khỉnh sắp tròn hai tuổi. Có một điều thật kỳ diệu là cả vợ và con trai của anh đều không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Còn riêng với anh Chung có lẽ  đây là một ân huệ lớn mà ông trời đã ban cho…

Hai anh chị giờ vẫn cố gắng lam làm để nuôi con và giữ gìn tổ ấm của mình mặc dù để được đi làm với họ là hết sức khó khăn, mặc dù vẫn còn những ánh mắt kỳ thị, nhưng với tất cả những gì họ đã vượt qua, tôi tin không còn trở ngại nào lớn hơn đến với cuộc sống của họ.