Bi kịch sâu thẳm trong mối tình bất chính của vợ nhà báo Hoàng Hùng

ANTĐ - Khi vị thẩm phán Nguyễn Hòa Bình - đại diện cho HĐXX thuộc TAND tỉnh Long An - vừa tuyến bố mức án chung thân dành cho bị cáo Trần Thúy Liễu - vợ và cũng là hung thủ sát hại nhà báo Hoàng Hùng - thì cả khán phòng vang lên những tiếng vỗ tay đồng tình.

Bị cáo Liễu khóc ngất, quằn quại và được lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dìu đưa ra khỏi pháp đình. Giây phút ấy không ai bảo ai nhưng họ cố tìm để nhìn phản ứng của một người đàn ông vốn cũng là tâm điểm của dư luận suốt 14 tháng qua, ông Nguyễn Văn Tâm - nhân tình của bà Liễu. Thế nhưng ông đã lặng lẽ rời phòng xử, đứng ở một góc khuất. Hơn ai hết, ông cũng hiểu rằng mối tình bất chính của mình và người đàn bà đó đã gây nên bi kịch cho không biết bao nhiêu người.

Tình bất chính và tội giết người

Trong suốt ngày xét xử 29/3, bị cáo Liễu từ đầu đến cuối đều ngập tràn trong nước mắt, có những lúc bị cáo kêu la quằn quại rồi ngất đi ngay trước vành móng ngựa, nhưng phiên tòa vẫn tiếp diễn. Rất nhiều người quan tâm và theo dõi thái độ của bà Liễu, dò xét bà có quay lại nhìn vào góc ngoài cùng bên phải ở hàng ghế thứ hai - nơi có ông Tâm - nhân tình của bà, đang ngồi tư lự hay không, nhưng tuyệt đối không. Người ta cũng để ý ông Tâm có thái độ gì trước cảnh xót xa của người tình không, nhưng thi thoảng và hiếm hoi lắm, ông mới liếc nhìn về hướng ấy với ánh mắt đầy ái ngại và đăm chiêu khó tả.

Khi trả lời những câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ bất chính của mình với ông Tâm, cũng là những lúc bị cáo Liễu bình tĩnh hiếm hoi trong suốt ngày xử hôm ấy. Vẻ ái ngại của bà thể hiện qua từng lời nói đứt quãng, thừa nhận: “Bị cáo có mối... quan hệ tình ái với anh Tâm”, “vì gặp gỡ trong quá trình làm ăn nên bị cáo và anh Tâm phát sinh tình cảm” hay là: “Bị cáo và anh Tâm quan hệ từ đầu năm 2008 đến nay”. Những lời nói của bị cáo Trần Thúy Liễu vang lên thì ở dưới pháp đình lại vang lên những tiếng rì rầm bàn tán, dè bỉu... Nói về mối tình thì bà Liễu khá bình thản nhưng khai báo về chi tiết hành vi phạm tội hay khi các luật sư, chủ tọa phiên tòa mô tả tội ác của bà, bà lại khóc lớn.

Khi được chủ tọa phiên tòa chất vấn, ông Tâm cũng có thái độ ngập ngừng khi thừa nhận có mối quan hệ với bà Liễu. Chắc có lẽ bây giờ ông đã thấm thía vì mối quan hệ bất chính của mình với nhân tình Thúy Liễu mà đã gây ra biết bao nhiêu bi kịch cho những người khác. Chắc rằng gia đình của ông cũng không ít sóng gió sau khi vụ án này xảy ra. Ông đã thân bại danh liệt khi dư luận nhắm vào ông, cho rằng ông là một phần chính nguyên nhân của bi kịch đó và góp phần không nhỏ vào cái động cơ của bà Thúy Liễu sát hại chồng.

Bà Liễu khóc ngất tại phiên toà.

Bà Liễu có lúc thừa nhận một thực tế cay đắng, đó chính là: “Anh Hùng có mang bệnh trong người nên không vui vẻ, không mang lại hạnh phúc cho vợ con”. Không ai nói nhưng cũng thừa biết rằng, bệnh mà con người quá cố đó mang phải, đó là cái thiên chức làm chồng chưa làm bà thỏa mãn. Chính vì thế mà khi gặp ông Tâm thì bà Liễu dính vào cái mối tình bất chính, oan nghiệt. Điều mà nhiều người dân, lẫn dư luận trong suốt thời gian qua cũng không kém phần bức xúc đó chính là việc nhiều người trong gia đình, chị em của bà Liễu đã biết về mối quan hệ ngang trái này nhưng không có thái độ ngăn cản, khuyên răn bà mà thậm chí là tiếp tay. Cả về phía gia đình ông Tâm cũng thế. Đó là trường hợp bà Trần Thúy Loan (chị gái của bà Liễu) không những không cấm cản em, mà còn theo chân ông Tâm, bà Liễu sang Campuchia đánh bạc mà trước tòa bà khai “có đánh bạc... chút chút” làm cho những người dự khán thêm một lần nữa cười lớn và bàn tán xôn xao.

Hay như trường hớp cháu Lê Hồng Nhung (con gái của bà Liễu và cố nhà báo Hoàng Hùng) và bà Nguyễn Thị Nhiệm (là em ruột của ông Tâm) đã khai báo, trong quá trình sau khi xảy ra vụ án Hoàng Hùng, họ đã làm cái nhiệm vụ là chuyển thư giữa bà Liễu và ông Tâm. Bà Liễu đã khai báo, sau khi xảy ra cái chết của chồng, bà đã viết 4 - 5 lá thư nhờ cháu Nhung chuyển cho bà Nhiệm để gửi ông Tâm. Thế nhưng nhân tình phũ phàng trước tòa đã tuyên bố rằng: “Không nhận được lá thư nào hết”. HĐXX và cả luật sư Nguyễn Văn Đức (chi nhánh Công ty Luật Biển Đông, đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) đã chất vấn về những tình tiết này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Còn những cuộc điện thoại liên lạc qua lại sau khi Hoàng Hùng qua đời thì ông Tâm có thừa nhân là liên lạc để hỏi thăm sức khỏe của nhau, còn trong ngày 19/1/2011 (ngày Hoàng Hùng bị thiêu sống ngay tại nhà riêng, ở khu dân cư Đại Dương, TP Tân An, tỉnh Long An) thì ông Tâm có nói rằng: “Có gọi 2 cuộc nhưng không được trả lời”.

Khi HĐXX tuyên án bị cáo Liễu thì ông Tâm lặng lẽ rời khỏi pháp đình, đứng ở một góc sân phía bên phải phòng xử. Phiên tòa vừa kết thúc, ông vội vã ra lấy xe ra về một mình. Thời điểm này đã có một số người, cả phóng viên báo chí đã thấy ông Tâm lấy tay quệt những giọt nước mắt. Không biết ông khóc vì mừng đã thoát khỏi sự liên quan trong vụ án mà nhiều người ngờ vực ông có liên quan trực tiếp đến cái chết của nhà báo Hoàng Hùng hay khóc vì cho cuộc chia ly đau đớn với ả nhân tình mang tội giết chồng?

Những sự thứ tha kỳ lạ

Điều mà đến nay nhiều người vẫn ngờ vực đó chính bà Liễu khai báo động cơ sát hại chồng, tức nhà báo Hoàng Hùng là vì Hoàng Hùng đã ghen tuông về mối quan hệ bất chính của bà rồi nhiều lần ra tay đánh đập bà. Thế nhưng mấy ai tin lời khai báo của người đàn bà ấy, bởi lẽ nếu ai biết, ai quen thân với cái gia đình của bà thì biết rõ như thế nào là bi kịch của Hoàng Hùng.

Nhiều người hàng xóm của Hoàng Hùng cho biết, tính Hoàng Hùng rất hiền lành, thậm chí họ xin lỗi trước khi từ “nhu nhược” khi nhắc về người đã quá cố này. Họ nói rằng, Hoàng Hùng ra ngoài xã hội thì ai cũng biết đó là nhà báo có tiếng không chỉ ở đất Long An này, thế nhưng khi về nhà, anh lại là một con người khác, chịu sự giày vò của vợ. Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (báo Lao Động) từng nói với người viết rằng, anh biết có những đêm Hoàng Hùng bị Liễu đối xử tệ bạc, đẩy ra khỏi nhà cùng với một số đồ đạc cá nhân. Vậy mà Hoàng Hùng cứ cam chịu trong một thời gian dài. Có lẽ anh Đấu hay những người khác ngại ngần khi nói về chuyện riêng tư của người quá cố, nhưng cũng cần phải nói để thấy rõ việc anh Hùng đánh vợ trong suy nghĩ của họ là điều không thể có, là điều không ai tưởng tượng ra được. Chính vì thế, lời khai của bà Liễu khiến cho mọi người không khỏi ngờ vực.

Trước phiên xử, cụ Tám Nga - mẹ của nhà báo Hoàng Hùng tâm sự rằng, có đôi lần về nhà, Hoàng Hùng cho tiền cụ nhưng luôn rụt rè như sợ vợ biết được. Điều mà ai cũng cảm phục người đàn bà một đời quê mùa đó, dù đã trải qua bao nỗi bi kịch gia đình, khóc cạn nước mắt cho cái chết đau đớn của con trai nhưng cụ vẫn gọi Liễu - kẻ sát hại con trai mình, một cách trìu mến “con dâu tui”. Nhưng đến giờ cụ vẫn không hề tin rằng, con dâu cụ lại một mình ra tay, gây nên cái chết của con trai cụ, cụ vẫn tin rằng có đồng phạm. Chính vì thế mà khi được chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến, cụ nhìn về Liễu đang quằn quại khóc ở vành móng ngựa và nói lớn: “Con ơi! Nếu có ai xúi giục hay giúp sức cho con sát hại thằng Hùng thì con cứ khai ra đi. Con khai ra đặng người ta chia sẻ với con”.

Vẫn trước sau như một, bị cáo Liễu khai rằng, vì bị bạo hành gia đình nên đã có mục đích đốt nhằm hăm dọa Hoàng Hùng chứ không hề có mục đích giết chồng. Bị cáo khai chi tiết tội ác trong những tiếng khóc nức nở, có lúc khóc rống lên hãi hùng. Ở bên dưới hai đứa con gái cũng khóc theo mẹ. Bà Liễu khóc lớn, quay lại phía sau ở hàng ghế đầu có mẹ Hoàng Hùng và hai con gái đang ngồi: “Trước tiên con xin lỗi má và mấy em. Thực tình do vợ chồng con mâu thuẫn, con chỉ muốn hăm dọa anh Hùng chứ trong thâm tâm con không muốn hại anh ấy. Xin má thương hai cháu mà tha lỗi cho con. Xin hai con hiểu cho nỗi khổ tâm của mẹ mà tha thứ cho mẹ”. Đứt lời, bị cáo lịm người đi trước vành móng ngựa.

Kết thúc phiên tòa, ai cũng thấy bà Trần Thúy Loan (là chị ruột của bà Liễu) đến ngồi cạnh, nắm lấy tay cụ Tám Nga. Một già, một trẻ khóc nức nở nói không thành lời. Thế rồi vội vã bà Loan cùng hai đứa con của bà Liễu chạy hộc tốc ra trước tòa, nhìn xe bít bùng mong thấy mặt bị cáo Liễu trước khi bị áp giải về trại giam. Cụ Trần Văn Mến (cha bà Liễu) lặng lẽ rời pháp đình, lảng tránh những ánh mắt ái ngại của người dự khán. Cụ Tám Nga được đứa con trai dìu dắt trong những bước chân khập khiễng và ánh mắt buồn rười rượi, những giọt nước ở khóe mắt già nua cứ trực chờ rớt xuống nền gạch của phòng xử.

Có lẽ bây giờ bà Liễu mới thấm thía tội ác mà mình đã gây ra, cũng như thấm thía nhân tình bạc bẽo như thế nào, khi bà vừa đối diện với tội ác giết chồng mà trời không dung, lòng người không tha, đã phải giáp mặt với một vụ kiện tụng khác - vụ kiện đòi nợ của nhân tình. Chỉ có bà mới thấm thía, mới đau tột cùng vì sự lỗi nhịp của con tim, của mối tình bất chính 3 năm trời ấy.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đức (chi nhánh Công ty luật Biển Đông, đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) khẳng định, sau phiên tòa, gia đình bị hại đã thống nhất và đang làm các thủ tục kháng cáo toàn bộ bản án.

Theo luật sư Đức phía bị hại kháng cáo vì có một số vấn đề chính của vụ án cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, như chi tiết hành vi tại thời điểm gây án của bị cáo Trần Thúy Liễu chưa được làm rõ ràng; chưa giải mã được những bí ẩn trong việc hình thành hai mồi lửa tại giường ngủ của nhà báo Hoàng Hùng trong đêm bị thiêu; một số vật chứng có liên quan (như bật lửa) đã bị bỏ quên; lời sinh cung của Hoàng Hùng tại bệnh viện trước lúc anh qua đời là tình tiết quan trọng nhưng chưa được đưa vào vụ án...