Bi kịch sau cơn lốc nhà giá rẻ ở Balkan

ANTD.VN - “Nhìn lên tầng cao nhất kia kìa! Đó là căn hộ tôi mua cho con gái tôi 14 năm về trước nhưng chưa bao giờ được bước vào”, kỹ sư điện đã về hưu Kiril Atanasovski chỉ về khu chung cư xây dở ở Thủ đô Skopje của Macedonia. Với hàng nghìn người Macedonia và Serbia, trào lưu mua căn hộ giá rẻ hàng chục năm về trước đã trở thành bi kịch cuộc đời họ.

Ông Atanasovski mòn mỏi chờ xử vụ lừa đảo mua bán căn hộ ở chung cư Antigone

1/4 thế kỷ kể từ khi Nam Tư tan rã, Macedonia và nước láng giềng phương bắc Serbia đều lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế và pháp lý. Nổi lên trong tình cảnh rối ren này là nạn lừa đảo mua nhà. Thống kê không chính thức cho thấy, hơn 6.000 người ở cả hai nước đã trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo, bị chiếm đoạt hơn 180 triệu euro. Một số kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay, một số khác đã bị bắt và kết án nhưng trong mọi trường hợp, các nạn nhân khó thu hồi được tiền mà họ đã đặt mua nhà. 

Một căn hộ bán cho nhiều người

Ông Kiril Atanasovski năm nay 77 tuổi. Năm 2003, ông đã dồn tiền cả đời tích cóp được để trả 28.000 euro mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở tòa chung cư Antigone. Hợp đồng nói rằng, ông và con gái mình có thể chuyển đến ở sau 24 tháng. Nhưng ông Kiril Atanasovski không hề biết rằng đã mua phải dự án sau này trở thành vụ lừa đảo bất động sản lớn nhất Macedonia. 

Nikola Nikolic - chủ Công ty Fikom, công ty xây dựng tòa chung cư Antigone cùng với vợ đã bị bắt giữ vào năm 2006 và bị kết án 15 năm tù giam vì tội gian lận và trốn thuế sau khi bán 150 căn hộ nhiều lần. Hai đối tượng này vào tù, dự án xây dựng cũng bỏ không. Nhiều người rơi vào tình trạng khốn khổ như ông Atanasovski.

Hai năm trước, Nikolic đã tự tử chết trong phòng giam, vì thế, nhiều người cảm thấy tuyệt vọng vì sự việc có thể sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. “Chủ sở hữu của công ty, Nikola Nikolic, chỉ là một con rối trong khi vẫn còn những kẻ giật dây ở cao hơn”, một nạn nhân của dự án Antigone nói. 

Cũng giống như ông Atanasovski, ông Nenad Pejin sống tại Novi Sad, thành phố lớn thứ hai của Serbia đã mất hơn 10 năm tìm kiếm công lý. Ông Pejin đã nghiên cứu trường hợp của mình kỹ đến mức nhiều người tưởng ông là luật sư chuyên nghiệp. Năm 2003, ông cũng đã bán căn nhà to để mua 2 căn hộ nhỏ, một cho vợ chồng ông, một cho cậu con trai.

Sau khi đặt 18.000 euro mua nhà, ông Pejin phát hiện căn hộ 28m2 đã được bán cho hơn một chủ. “Thay vì mua một căn hộ, tôi đã chuốc khổ vào người. Cuộc đấu tranh của tôi đã diễn ra trong 13 năm qua. Tôi không có ý định từ bỏ mặc dù bị đột quỵ năm ngoái”, ông Pejin nói. Ông là Chủ tịch Hiệp hội những nạn nhân bị lừa đảo ở Novi Sad, hiện có 90 thành viên. 

Mòn mỏi chờ xử án

Hầu hết các dự án bất động sản “ma” ở Serbia và Macedonia xảy ra ở thời điểm chuyển giao thế kỷ, trước khi nhà chức trách có cơ sở dữ liệu về đăng ký bất động sản hay luật pháp có đủ quy định ngăn chặn việc lừa đảo một tài sản bán nhiều lần. Bên cạnh đó, người mua cũng bị thu hút bởi giá nhà rẻ đến mức khó tin. Nhiều nhà đầu tư chào bán căn hộ với giá giảm tới 20-30%, vì thế nhiều người không thấy nền dự án cũng chồng tiền mua.

Miodrag Djukanovic, một công chứng viên người Serbia giải thích rằng, nạn nhân chủ yếu là các gia đình nghèo bị hút vào cơn lốc nhà giảm giá. Bởi thế, tất cả những trò gian lận này có khi là một âm mưu lừa đảo quy mô lớn. Một số nạn nhân cũng thấy rằng việc theo đuổi ở tòa án trở nên quá sức chịu đựng, không chỉ vấn đề tiền mà cả áp lực tinh thần.

Bản thân ông Pejin đã làm những việc mà lẽ ra cơ quan công quyền hiện nay nên làm, như thu thập chứng cứ và cảnh báo người khác. Tuy nhiên, ông lại thất vọng trước các phiên tòa kéo dài không có hồi kết. “Hàng triệu euro từ các vụ lừa đảo này phải nằm ở đâu đó, thậm chí có thể nằm trong tay của người ra yêu cầu trì hoãn việc xét xử”, ông Pejin nghi ngờ.

Với ông Atanasovski, 14 năm kể từ ngày trả tiền mua căn hộ, con gái ông vẫn phải đi ở nhà thuê. “Chúng tôi già đi cùng với tòa nhà này. Một số người mua đã chết trong khi chờ đợi quyết định của tòa án, chỉ còn vài người vẫn tin rằng họ sẽ nhận được căn hộ mà họ đã trả tiền”, ông Atanasovski cho biết.