Bi kịch nhiều người già chết trong cô đơn ở quốc gia đông dân nhất thế giới

ANTD.VN - Không kết hôn, sống một mình và không có con cái, một ông lão 67 tuổi ở quận Baoshan thuộc thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã chết tại nhà riêng mà không ai hay biết cho đến khi thi thể bắt đầu phân hủy. Đây là một trong nhiều trường hợp người già chết trong cô đơn ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Bi kịch nhiều người già chết trong cô đơn ở quốc gia đông dân nhất thế giới ảnh 1Sự cô đơn là thách thức lớn nhất với người cao tuổi trong một xã hội đang thay đổi ở Trung Quốc

Chết không ai biết

Mặc dù cửa trước nhà ông không khóa, nhưng thi thể của ông vẫn không hề được phát hiện trong thời tiết nắng nóng oi bức của mùa hè. Chỉ đến cuối tháng 7 vừa qua, khi mùi hôi thối nồng nặc, hàng xóm mới gọi điện báo cảnh sát. Trước đó 1 tháng, một bà lão ở độ tuổi 70 sống một mình cũng qua đời trong căn hộ ở Nam Kinh, báo Yangtse Evening Post đưa tin hồi tháng 6. Bà có 1 con trai và 1 con gái, nhưng họ chỉ tới thăm bà 2 tuần mỗi lần. Bà chỉ được phát hiện tử vong bên bồn tắm khi nhân viên cộng đồng tới thăm. Đây là 2 trường hợp người già tử vong thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, nơi thế hệ người cao tuổi theo truyền thống sống cùng và được con cháu chăm sóc. Hiện không có dữ liệu chính thức về việc bao nhiêu người ở Trung Quốc tự nuôi sống bản thân nhưng các nhà quan sát nói rằng các nhà hoạch định chính sách cần dự đoán trước nhu cầu của họ khi dân số già hóa.

“Văn hóa truyền thống của chúng tôi đó là người già sống cùng con cháu, và qua đời trong gia đình có nhiều thế hệ”, Zhu Qin, chuyên gia thuộc trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải nói - “Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn khó xử, vì một mặt, với tỷ lệ sinh giảm và quy mô gia đình giảm, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người già đã giảm đi, mặt khác, mạng lưới an sinh xã hội cho những người đó vẫn còn đang được xây dựng”.

Khó sống chung với con cái

Trong khu dân cư Yu Yuer ở thành phố Thượng Hải, khoảng 22% trong số 2.000 cư dân trên 60 tuổi. Một trong những cư dân cao tuổi đó là bà Shen Ming (69 tuổi) có chồng chết vì ung thư vào tháng trước. “Người già có thói quen và lối sống khác. Sống cùng con cái thường dẫn đến mâu thuẫn”, bà Shen nói và cho biết có hai con sống ở Thượng Hải, họ còn chăm sóc con cái và đi làm, vì vậy họ chỉ đến thăm bà vài tuần một lần.

Giống như nhiều người Trung Quốc lớn tuổi hơn, bà cũng không muốn sống trong viện dưỡng lão, khi viện dưỡng lão gần nhất có chi phí hơn 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 707 USD) mỗi tháng. “Hầu hết những người cao tuổi mà tôi biết trong khu phố không muốn đến viện dưỡng lão. Họ nói sống ở đó giống như chờ chết”. Trong khi đó, viện dưỡng lão lại rất ít và xa. Trên cả nước có khoảng 30.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi cung cấp 7,46 triệu giường vào năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia cho biết.

Thêm vào đó là ngày càng nhiều gia đình mất đứa con duy nhất của họ, một con số mà theo ước tính đã là hơn 1 triệu và tăng thêm 76.000 trường hợp mỗi năm. Li Jufen, một bà lão 66 tuổi đã li dị chồng và có con trai duy nhất chết vì bệnh ung thư vào năm 2017, cho biết tương lai của bà có lẽ là ở viện dưỡng lão. “Sẽ là nói dối nếu tôi nói rằng tôi chưa bao giờ nghĩ đến khả năng chết một mình ở nhà” - bà Li nói - “May là tôi có đủ lương hưu và tiền tiết kiệm để sống trong viện dưỡng lão trong tương lai, và tôi tự chăm sóc tốt cho bản thân mình”.

Chuyên gia Zhu nói rằng, dân số già dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030. Vì vậy, thập kỷ tới sẽ rất quan trọng trong việc mở rộng hoạt động chăm sóc cho người cao tuổi. Tại Thượng Hải, các cơ quan chính quyền cơ sở đã kiểm tra những người già sống một mình, thường là qua điện thoại hoặc thường xuyên đến nhà họ, người dân nói. “Những biện pháp đó nhằm tránh những cái chết cô đơn. Tôi không nghĩ việc người cao tuổi sống một mình là hoàn toàn tiêu cực - đó là một giai đoạn không thể tránh khỏi của cuộc đời. Vấn đề là, cần có sự hỗ trợ từ xã hội và hành động từ Chính phủ”, chuyên gia Zhu nhận định.